Lạ lùng là cái cách cô giới thiệu sau đó giống hệt những gì thằng Thọ
tưởng tượng:
- Kia là thì sĩ Cỏ Phong Sương! Còn đây là thi sĩ Hận Thế Nhân… Còn
anh chàng này là thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn…
Tất nhiên, các từ “mặt mụn” và “đẹp trai” không có trong câu nói của cô.
Cô Mười lặng yên quan sát bọn tôi, miệng tủm tỉm trong khi bọn tôi
nóng ran mặt mày vì sung sướng và cả vì mắc cỡ trước lời giới thiệu trang
trọng của cô Hiền.
Hôm đó, bọn tôi mời hai cô giáo đi dạo.
- Đi đâu hở các em?
- Đi xuống cầu Hà Kiều chơi đi, cô! – Thọ quảng cáo. – Tối nay có
trăng, ngồi trên cầu hóng gió thơ mộng lắm, cô!
Cô Hiền và cô Mười năm đó mới ra trường, khoảng hai mươi, hăm mốt
tuổi, chỉ lớn hơn tôi, Hòa, Sơn năm, sáu tuổi và lớn hơn thi sĩ Lãnh Nguyệt
Hàn chừng ba, bốn tuổi, vẫn còn ham chơi. Ở xứ lạ không quen biết nhiều,
tối nào cũng ru rú trong phòng, được bọn học trò rủ đi chơi thì thích lắm.
Hai cô giáo và bốn học trò sóng bước bên nhau dưới ánh trăng, xuôi chợ
Hà Lam rồi theo con đường cuối chợ chạy dọc ruộng lúa rẽ ra bàu sen.
Thọ chỉ cây cầu xi măng ngắn ngủn vắt ngang bàu với các khóm trúc
xanh xào xạc ở hai đầu cầu, khoe:
- Cầu Hà Kiều đó cô.
- Ôi, chỗ này đẹp quá hả Mười? – Cô Hiền reo lên như trẻ con được kẹo
– Tụi mình ở thị trấn này gần nửa năm rồi mà chưa đến đây bao giờ!
Cô Mười cười: