đàng thất hiếu với mẹ cha, một đàng thất vọng về tình duyên, nay cố nhiên
đã lỡ bước, nàng quyết không sao trọn vẹn được mặt nào.
Bởi vậy, trông Nga càng tiều tụy. Những lúc nghĩ thấm thía, nàng chỉ còn
cách nằm vắt tay lên trán mà khóc thầm. Hiện nay, Chi được nghỉ hè về
nhà, nhưng tuy hai người gang tấc mà thật là quan hà. Nga muốn nhắn cho
Chi biết tin mình một tí, song không có dịp, vả cũng không thể có dịp.
Những lúc nghe cha rên rỉ ở buồng bên cạnh, Nga lại chạy ra xun xoe
đứng bên. Nhưng ông Phủ hồ thấy mặt con, thì nhăn mặt, xua tay, tựa như
nhìn thấy một vật nhơ bẩn. Ông van lơn nói:
- Tao lạy mày, mày tránh ra. Mày tha cho tao. Mày đừng giết tao. Mày
dàn mặt tao, tao trông thấy mày, thì tao chết mất!
Nga nghe lời nói, như bị nhát dao đâm vào ruột vào gan. Nàng cho đời
mình quạnh hiu quá. Ở giữa gia đình mà nàng cô độc lạ lùng. Ông Tham
không dám về phủ nữa. Mà chỉ có chú, họa may mới có thể về hùa với nàng
và khuyên can cha được mà thôi. Ấy là nói thế, chứ chắc gì cha Nga đã
nghe theo. Nhưng giá ông Tham có dám năng đi về, thì dù ông Phủ chẳng
cho nàng được kết hôn với Chi, song nàng cũng hình như được người bênh
vực, và biết đâu, cha nàng cũng đỡ giận, đỡ ghét một chút.
Vả lại, mẹ nàng lại đi vắng. Nàng không hiểu là đi đâu cả. Cứ nàng đoán,
thì là bà về nhà quê, vì chắc là cũng đau đớn không kém gì ông, nên không
muốn lộ cho mọi người biết là trong nhà có xảy ra việc quan trọng đến nỗi
cả mọi người nằm bệt như ốm.
Mẹ Nga tuy không nghiêm khắc quá như cha, nhưng đến nỗi nước này,
dù người nhân từ đến đâu, cũng không thể tha thứ được.
Bởi vậy, Nga càng thương cha mẹ. Nhưng thương cha mẹ bao nhiêu,
nàng lại thương Chi bấy nhiêu. Thật ra nàng chẳng hối tí nào. Nàng chỉ oán
cái gia thế và cái lòng câu nệ nhút nhát của bọn con ông cháu cha. Vì có nó