Trông Nga hốc hác quá. Thân thể gầy hẳn đi. Xương gò má và xương vai
giô hẳn lên. Cổ tay khẳng khiu, như cái ống nứa.
Cha mẹ họ hàng ai cũng phải đau xót. Khốn nạn, một vị tiểu thư, mơn
mởn, nõn nà, vui tươi, lộng lẫy, mà trong hơn một tháng trời, thành một con
vật nhơ bẩn, ai cũng phải tởm, ai cũng phải ghê, xấu như con lợn sề, dữ như
con chó đẻ, bẩn như con bọ hung.
Con vú mỗi khi vào thăm Nga lại lên kể cho ông Tham nghe, ông Tham
phải biên lời nói vào cuốn sổ tay, để nói lại với bác sĩ.
Ngày nào cũng nắng. Nóng quá. Mà càng nắng càng nóng, Nga càng
điên, càng cuồng. Cả nhà ai cũng khấn trời cho mưa để thời tiết êm dịu một
chút. Nhưng mà vô ích, ban ngày ánh nắng như thiêu đốt, mà ban tối, vầng
sao vằng vặc, còn như dọa cái nóng cháy hôm sau.
Ông Phủ vẫn luôn luôn có mặt tại Hà Nội, rỗi thì hai ba hôm một lên,
bận thì dăm sáu hôm một lần. Đã có bà Phủ và vợ chồng ông Tham săn sóc
cho Nga, nên ông cũng yên dạ. Và ông buồn bã, chán ngán. Không thăm
con thì bụng áy náy chẳng yên, mà mỗi bận nhìn con, ông đứt từng khúc
ruột. Nhất là từ hôm ông nghe Đốc tờ khuyên bảo mấy câu, ông thấy như bị
một câu chửi nhục nhã.
Ngày hôm ấy, ông giận quá. Nếu bác sĩ không phải người Pháp, có lẽ
ông đã nổi lôi đình rồi. Nên khi bước chân lên xe về Phủ, ông còn dặn ông
Tham:
- Anh nể chú thì anh cho mời Đốc tờ, nhưng chú đừng theo thuốc Tây
một tí nào nhé. Chúng nó chữa nhảm quá.
Thấy ông Tham dậm dạ cho xong chuyện, ông hiểu ý ngay, nên ông nói
dỗi, vì biết rằng lời nói dỗi có công hiệu hơn lời gắt: