Từ ngoài vòng vây, chúng tôi vẫn nhìn thấy vọng gác bị đánh sập một
bên. Cả một đoạn hàng rào Tổng nha Cảnh sát bị xé nát. Đó là “chiến
công” của hai chúng tôi, những thằng bạch diện thư sinh tập sự làm biệt
động thành!
°
Sau trận đánh đó tôi được kết nạp Đảng. Hôm đó là ngày 02 tháng 12
năm 1968, anh Phạm Chánh Trực hẹn tôi tại nhà Trần Minh Đức (sau này
là nhân vật quyền lực nhất của báo Tuổi Trẻ) ở Bàn Cờ. Lễ kết nạp diễn ra
rất đơn giản. Phạm Chánh Trực lấy trong túi ra một cuốn sổ tay có bìa màu
đỏ. Đức đưa cho anh cái kéo và tờ giấy thủ công màu vàng, anh cắt thành
một hình búa liềm và dán lên cái bìa đỏ ấy. Vậy là có được lá cờ Đảng. Tôi
đặt nắm đấm lên ngực trái và tuyên thệ, vậy là trở thành đảng viên.
Đến lượt Trần Minh Đức, hắn đã làm Phạm Chánh Trực phải bất ngờ.
Hắn cứ cúi mặt, cười cười và nói: “Thôi, thôi…tôi không vô Đảng đâu”
mặc dù trước đó hắn đã đồng ý rồi. Phạm Chánh Trực phải theo năn nỉ. Tôi
thì tức cười, cầm cây ghita vừa đệm vừa cất giọng vịt đực hát to như đứa
con nít: “gió lên đi cho thuyền ta ra khơi, thênh thang trên biển rộng thuyền
ta như biển trời…”. Hát vừa hết bài, liếc nhìn đã thấy Đức đưa nắm đấm
lên ngực trái. Đỏ mặt vì ngượng.
Ba mươi lăm năm sau Trần Minh Đức trở thành tỉ phú. Khi Báo Tuổi
Trẻ thành lập công ty Thế Kỷ 21 anh làm chủ tịch hội đồng quản trị, trụ sở
công ty là một cao ốc lộng lẫy sang trọng. Nhưng khi còn là sinh viên anh
là một người hoàn toàn khác.
Đức bị bệnh ngứa da đầu, gãi riết thành mụn nhọt. Lúc chạy vô rừng,
bệnh trở nặng mà thuốc thì chỉ có mỗi thứ cortisone. Anh uống thường
xuyên. Xương bị thoái hóa, các đốt xương ngón tay ngón chân gồ lên, cứng
đờ. Anh cầm cây viết một cách khó nhọc, chỉ để ký tên. Khớp mắt cá và
đầu gối đã hóa vôi, đi đứng khó khăn, gần như lê từng bước. Nhưng cái đầu