Cộng hòa Miền nam Việt Nam với chức vụ Thứ trưởng Bộ văn hóa. Đến
thời điểm đó tôi vẫn chưa được gặp mặt anh dù đã đọc anh khá nhiều.
Những ngày đầu giải phóng tôi có dịp làm việc chung với Lữ Phương
trong Hội đồng đánh giá văn học miền Nam tại thư viện quốc gia.
Anh khá nổi bật trong số các thành viên của Hội đồng vì cách ăn mặc.
Trong khi các cán bộ miền Bắc và cán bộ ở rừng ăn mặc luộm thuộm,
đi dép râu, còn những người tại chỗ như Vô Hạnh và tôi cũng xuềnh xoàng,
thì Lữ Phương ăn mặc chỉnh tề, đẹp. Có lẽ đó là những bộ quần áo của thời
anh đi dạy học trước giải phóng. Quần Gabardine màu xám nhạt, sơ mi
màu sậm, cài măng sét, giày da màu nâu bóng loáng.
Anh ăn nói lưu loát nhưng hòa nhã, lịch thiệp. Cái nhìn của anh về văn
học ở các đô thị miền Nam trước GP cũng khá thoáng.
Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là anh luôn luôn bị ông Vô Hạnh ngắt
lời. Ông lớn tiếng, khoa tay múa chân khi nói, và thường dùng những lời lẽ
đao to búa lớn để phủ nhận những ý kiến của Lữ Phương. Thái độ đó làm
mọi người khó chịu. Lữ Phương thì im lặng theo cái cách của một người
cha nhìn cơn bốc đồng của đứa con mình và chờ cho nó hạ xuống. Sau đó
anh lại tiếp tục nói.
Trong giờ nghỉ giải lao, Vô Hạnh nói oang oang ngoài hành lang của
thư viện:
-Đầu óc tiểu tư sản của anh ta vẫn còn. Anh ta là thứ trưởng hả? Chỉ
đáng là học trò của tôi.
Lúc ấy nhiều người cho rằng ông muốn tranh cái chức thứ trưởng bộ
văn hóa của Lữ Phương, riêng Lữ Phương có lẽ anh đang cười thầm vì từ
lâu anh đã hiểu cái chức ấy chẳng qua cũng chỉ là một vai diễn trên sân
khấu chính trị mà thôi.