Tôi thì ngỡ ngàng. Lúc đó tôi nghĩ chắc trước đây ông và Lữ Phương
có lục đục với nhau, nhưng về sau khi ông Vô Hạnh về làm việc ở Hội Văn
nghệTPHCM thì tôi mới biết ông là một tên chỉ điểm.
Thực ra, nhận xét về ông Vô Hạnh như thế chỉ đúng có một phần.
Phải định nghĩa về nhà văn Vô Hạnh như thế này: Một kẻ man trá.
Một cá thể phức tạp bị dồn nén và đầy mặc cảm.
Ông là một đảng viên cộng sản, hoạt động cách mạng trong nội thành
nhưng khi ở tù ông nhanh chóng đầu hàng, nhiều lần buộc anh em trong tù
phải chào cờ và hát quốc ca của địch nên được tên cai ngục tin dùng, cho
về nhà riêng của y mỗi ngày vài giờ để làm tạp dịch và dạy kèm cho đứa
con. Tuy nhiên để tránh sự dòm ngó, mỗi lần ra khỏi nhà giam Vô Hạnh chỉ
được phép chui qua lỗ rào kẽm gai để lẻn vào nhà sau của tên cai ngục, vì
thế bạn tù đặt cho ông cái tên “Vô Hạnh chui lỗ chó”. Sau ngày thống nhất,
ông bị « kiểm thảo » gay gắt nên rất thù những anh em văn nghệ sĩ ở rừng
về. Nỗi căm hận biến thành cao ngạo, chửi bới vung vít.
Mặt khác, đối với anh em văn nghệ tại chỗ (nhất là những người
không biết lý lịch của ông) thì ông lại tỏ ra mình là một ngự sử văn đàn,
một nhà văn cách mạng chánh hiệu con nai vàng, vì thế ông phê phán
người này, lên lớp người kia, lúc nào cũng đưa quan điểm lập trường
chuyên chính vô sản, giai cấp công nhân… ra làm thước đo, hù dọa mấy
anh em nhà văn trẻ, nhà văn chế độ cũ đang được “lưu dung”. Còn đối với
các nhà văn nổi tiếng tài năng khác như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên,
Lê Tất Điều, Dương Nghiễm Mậu… thì ông mạt sát họ bằng ngôn ngữ dao
phay, mã tấu…
Sau này, khi đã ngoài bảy mươi tuổi, ông vẫn chứng nào tật nấy, vẫn
giở giọng « chuyên chính vô sản » ra truy đuổi những nhà văn tài năng ở
Miền Nam trước 75, gay gắt như trong những cuộc đấu tố chính hiệu của
thời cải cách ruộng đất.