“sáng tạo” vs. “phản sáng tạo”. Ngành quảng cáo cũng có. Chịu khó tìm,
bạn sẽ thấy.
Những ý tưởng đầu tiên luôn là ý tưởng rác
Xin lỗi vì quá thẳng thắn. Nhưng đây là sự thật. Một sự thật phũ phàng và
phiền phức. Những bạn trẻ mới đặt “một chân” vào quảng cáo sẽ phẫn nộ
với sự thật này. Trừ khi “ĐỘT BIẾN SÁNG TẠO” hay THIÊN TÀI, bạn
mới có khả năng nghĩ được ý tưởng sáng bừng sau vài lần thử sức.
Nếu creative director là người hời hợt, 10 ý tưởng bạn trình lên, họ sẽ
chọn 1. Nhưng chẳng có creative director nào tôi có cơ hội làm việc cùng là
người hời hợt. Tất cả họ đều sắc nét đến độ cực đoan, luôn đòi hỏi ở ý tưởng
một sự độc đáo.
Không thỏa hiệp và không khoan nhượng. Họ kiên nhẫn ngồi đó để dọn
sạch kho rác ý tưởng do bạn thải ra, và đôi khi tái sinh cho rác để nâng tầm
giá trị.
Công việc của creative director thoạt nhìn “có vẻ như” ngồi chơi xơi
nước, hoặc nghĩ tiêu cực hơn, cướp trên giàn mướp ý tưởng của bạn. Không
đâu. Họ chỉ giúp bạn nhận ra mình là ai giữa thế giới quảng cáo vàng thau
lẫn lộn. Nếu không có họ, bạn tự bay bổng với mớ ý tưởng điên rồ không
định hướng, ngành quảng cáo sẽ ngập lụt thảm họa. Như thảm họa thời
trang, thảm họa dao kéo, thảm họa Vietnam Idol…
Quảng cáo sáng tạo không câu khách rẻ tiền bằng những trò lố. Sau tầm 2
năm làm việc, khi đã cọ xát với “real brief real work” bạn sẽ đồng ý với
nhận định này. Còn muốn thay đổi ngành quảng cáo nước nhà, bạn phải chờ
ít nhất 2 cuộc đời nữa.
Sáng tạo là lao động bằng cả tình yêu
Tôi có anh bạn làm quảng cáo từ thời một số bạn đang đọc cuốn sách còn
chưa mặc quần, chỉ mặc tã. Với người xem công việc là tình yêu, điều họ
tìm thấy trong công việc là niềm vui chứ không phải áp lực. Nếu là áp lực,
anh ấy chết lâu rồi.