Nhưng điều mong muốn này gây nên một vấn đề xã hội. Việc tăng giá trị thị
trường chứng khoán không thể dùng để tài trợ đầu tư cho công cụ mới. Tiền do
những người bán cổ phiếu nhận được phải ngang bằng với tiền của những người
mua cổ phiếu bỏ ra. Đó là một dịch vụ giao dịch có tổng số bằng số không xét về
mặt đầu tư. Nó không làm phát sinh ngân khoản đầu tư để tạo ra công cụ. Chỉ
việc giữ mức tiêu thụ thấp hơn mức thu nhập mới có thể cung cấp nguồn ngân
khoản cần thiết cho việc đầu tư tạo công cụ.
Liệu một xã hội có thể chịu đựng được nếu để cho nó hoàn toàn tự do - và để
cho cơ chế thị trường sản xuất ra những gì đã sản xuất ra - một tỷ lệ tiết kiệm âm
- trong bất kỳ thời gian nào không? Không một xã hội nào có thể tồn tại mà
không tạo ra các công cụ. Để cho thị trường tự quyết định việc không tiết kiệm
thực tế là một quyết định khiến cho xã hội thất bại. Nếu chiến tranh quá quan
trọng để bỏ mặc cho các tướng lãnh, thì việc tạo ra các công cụ cũng quá quan
trọng để giao khoán cho sở thích cá nhân và thị trường. Có những quan tâm mang
tính xã hội vượt cao hơn những mối quan tâm cá nhân đối với vấn đề đạt mức
sống cao hơn. Nếu các cá nhân không tự nguyện để nghĩ về tương lai, cộng đồng
xã hội phải làm thay cho họ.
Điều này đặc biệt đúng trong một xã hội đầy ắp các áp lực xã hội và việc
quảng cáo khuyến khích người ta chi tiêu nhiều hơn, có rất ít áp lực xã hội chống
lại và cũng không có quảng cáo khuyến khích người ta đầu tư vào việc tạo ra các
công cụ. Các áp lực xã hội về chi tiêu rất lớn. Trong 30 năm qua, số nợ cá nhân
đã tăng từ 59% đến 85% thu nhập khả dụng của người Mỹ. 2/3 số nợ này là nợ do
tiêu thụ hàng hóa. Với 1,4 triệu vụ phá sản năm 1998, người Mỹ đang bị thuyết
phục để chi tiêu nhiều hơn khả năng của họ.
Trong khi người Mỹ đang đầu tư ít hơn vào công cụ so với các nước láng
giềng, thì các tỷ lệ tiết kiệm cá nhân so sánh giữa các quốc gia được trích dẫn
theo qui ước đã thổi phồng việc người Mỹ ít tiết kiệm. Chúng được trích dẫn
thường chỉ vì chúng dễ dàng có sẵn. Vào năm 1997 người Mỹ đã tiết kiệm 4%
thu nhập khả dụng của họ trong khi đó người Nhật đã tiết kiệm 22% và người
Đức là 13%. Mức tiết kiệm của người Mỹ được tiên đoán là sẽ giảm xuống 1%
vào năm 1999. Nhưng các mức tiết kiệm cá nhân không nói lên điều mà chúng ta
muốn biết vì nhiều lý do.