Lục địa châu Âu xem những gì đang xảy ra là “tư bản chủ nghĩa theo kiểu cao
bồi”. Nền kinh tế toàn cầu cũng tương tự như thời Viễn Tây cũ, nơi mà các tranh
chấp kinh tế (trộm súc vật) được giải quyết bằng cách đấu súng theo kiểu OK
Corral. Cũng như ở miền Viễn Tây, kẻ mạnh đẩy kẻ yếu ra khỏi các vùng đất phì
nhiêu, ra khỏi các khu có vàng và buộc họ lập nghiệp tại các vùng sa mạc và đất
xấu. Tất cả chúng ta đều ở trên trái đất này nhưng không phải ai cũng tham gia
vào nền kinh tế toàn cầu trong thời đại mới.
Sự giàu có sẽ được hình thành trong nền kinh tế toàn cầu nhưng không suôn sẻ
mà thỉnh thoảng sẽ tạo ra những trận bão kinh tế bất thần. Một trận bão như thế
đã ập vào châu Á trong năm 1997. Việc xảy ra tại các nước chiếm chưa được 1%
tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu đã lan rộng và gần như ảnh hưởng đến mọi
người kể từ giữa năm 1999. Các ngân hàng lớn (Bankers Trust, Bank of America)
công bố lỗ hàng tỷ đô la khi Liên bang Nga bị cuốn hút vào trận cuồng phong
kinh tế châu Á. Các ngân hàng Thụy Sĩ được tiếng là bảo thủ càng tệ hại hơn.
Brasil cần có sự hỗ trợ to lớn của thế giới (trên 45 tỷ đô la) để tránh bị nhận chìm
nhưng cho dù với sự hỗ trợ to lớn này, Brasil vẫn tơi tả trong cơn lốc tài chính.
Tại Hoa Kỳ, một quỹ bảo đảm vốn, Long Term Capital Management (Công ty
Quản lý vốn dài hạn) (một công ty chính thức thành lập tại đảo Cayman nhưng có
trụ sở chính tại Connecticut và đặt văn phòng trên khắp thế giới) đe dọa cho sụp
đổ và sẽ kéo theo thị trường vốn lớn nhất thế giới. Chính phủ Hoa Kỳ đã phải tổ
chức một cuộc tiếp cứu không chính thức. Hội đồng Dự trữ Liên bang đã hạ lãi
suất 3 lần vào mùa thu năm 1998, một lần nhằm đáp ứng tình trạng khẩn cấp.
Mọi việc lắng dịu trở lại và thị trường chứng khoán hồi phục. Nhưng trong bao
lâu đây?
Trong năm 1999, cả thế giới lo lắng đứng nhìn xem chính phủ Nhật Bản sẽ
hành động thế nào. Hầu hết các đại công ty của Nhật (NEC, NTT, Hitachi,
Fujitsu, Nissan, Toshiba) đều đang thua lỗ. Chính sách bất hành động theo kiểu
Herbert Hoover đã tạo nên tình trạng có thể gọi là đại trì trệ - 8 năm tăng trưởng
không đáng kể, với mức tăng trưởng âm trong năm 1998 và sẽ tái diễn trong năm
1999. Liệu Nhật Bản sẽ hành động hay vẫn để lún sâu trong sự suy thoái đang
bành trướng để rồi sẽ chôn vùi cả thế giới?
Trong thế kỷ 20, khi kinh tế quốc gia thay thế kinh tế địa phương, chính quyền
quốc gia cũng mạnh lên. Chính quyền cần phải mạnh để kiểm soát hệ thống kinh