vào năm 1994 thực tế gần với con số 11% hơn nếu tất cả những người sẵn sàng
nhận việc làm được thống kê đầy đủ. Một lực lượng dự bị tiềm ẩn người thất
nghiệp đã làm cho lương và giá không tăng.
Giảm phát có hệ thống không có gì chắc chắn nhưng với khả năng có thể xảy
ra cũng đủ để chúng ta nghĩ đến trường hợp khi giá bắt đầu giảm thì thể thức hoạt
động kinh tế bình thường sẽ thay đổi thế nào. Trong thế giới giảm phát, người ta
phải tránh vay nợ bằng mọi giá vì nợ cần phải hoàn trả có giá trị cao hơn khi vay
mượn lúc đầu. Người thiếu nợ muốn hoàn trả càng sớm càng tốt, vì nếu để kéo
dài gánh nặng thực tế sẽ đương nhiên trở nên nặng nề hơn với thời gian. Nếu giá
giảm 10%, số nợ 100 USD sẽ trở thành 110 USD. Nhưng nếu hoàn trả nợ là ưu
tiên hàng đầu thì chẳng ai đầu tư vào những gì có thể đem lại tăng trưởng.
Vì lãi suất bằng tiền không thể là số âm, lãi suất thực rất cao trong thời kỳ
giảm phát. Nếu giá giảm 10%, lãi suất 1% trở thành lãi suất thực 11%.
Vì giá trị tiền tệ đang tăng lên trong khi giá trị các loại tài sản khác đang giảm
xuống cho nên việc giữ tiền (không làm gì cả) là hành động đầu tư khôn ngoan
nhất. Một đô la giữ lại hôm nay sẽ mua được nhiều hàng hơn vào ngày mai.
Người ta cũng chẳng vội gì để mua sắm vì những gì họ cần sẽ rẻ hơn trong năm
tới. Người ta sẽ trì hoãn mua sắm khi không có nhu cầu. Nhưng nếu mọi người
đều trì hoãn thì sẽ không có tăng trưởng.
Trong thế giới giảm phát, doanh nghiệp không muốn giữ hàng tồn kho. Những
gì sản xuất hôm nay và bán trong tương lai sẽ phải bán với giá thấp hơn hôm nay.
Máy tính Dell sản xuất theo đơn đặt hàng đã thanh toán trước là mẫu duy nhất có
lãi. Trong thế giới giảm phát có hệ thống, những công ty sản xuất ô-tô chẳng hạn,
sẽ phải loại bỏ việc giữ hàng tồn kho tương đương với số lượng bán ra trong 120
ngày nếu vẫn muốn đảm bảo có lãi. Giá bán trong bốn tháng tới sẽ thấp hơn chi
phí sản xuất hôm nay và lỗ sẽ gia tăng do mất thời gian chờ đợi giữa sản xuất và
bán hàng.
Giảm chi phí là chuyện dứt khoát phải thực hiện trong thế giới giảm phát.
Doanh nghiệp không có cách nào khác là phải giảm lương công nhân. Nếu không
giảm lương, lương thực tế của công nhân sẽ tăng (giá đang giảm) và họ sẽ tự loại
mình ra khỏi thị trường (do giá sản phẩm cao). Người thắng cuộc sẽ là người có
thể đẩy mức lương xuống nhanh hơn tỷ lệ giảm phát. Nhưng càng cố gắng đẩy
lương xuống, giá lại giảm nhanh hơn.