được vài tuần. Tiếp theo, nhiệm vụ duy nhất của anh là không phá vỡ chuỗi
đó.”
Phương pháp chuỗi này (như cách một số người vẫn gọi) đã sớm trở thành
mục tiêu của giới nhà văn và những người đam mê thể dục thể hình –
những người cần phát triển khả năng liên tục để thực hiện những việc khó
khăn. Xét về mặt mục đích, phương pháp này chính là ví dụ cụ thể về cách
tiếp cận khái quát để đạt được sự chuyên sâu trong cuộc sống: triết lý nhịp
nhàng. Theo triết lý này, cách dễ nhất để bắt đầu các buổi làm việc sâu là
biến chúng trở thành một thói quen đơn giản. Nói cách khác, mục tiêu của
chúng ta chính là tạo ra sự nhịp nhàng cho công việc này để bạn không cần
phải tiêu tốn năng lượng vào việc quyết định xem có nên làm việc sâu hay
không và khi nào thì nên làm. Phương pháp chuỗi là một ví dụ hay về triết
lý nhịp nhàng khi lập kế hoạch làm việc sâu vì nó kết hợp kỹ thuật lập kế
hoạch đơn giản (làm việc mỗi ngày) với cách nhắc nhở bản thân làm việc
khá dễ dàng: Những dấu X đỏ lớn trên tờ lịch.
Một phương pháp phổ biến khác để thực hiện triết lý nhịp nhàng là thay thế
sự hỗ trợ trực quan của phương pháp chuỗi bằng một loạt mốc thời gian cần
thiết để làm việc sâu hằng ngày. Các phương pháp này có điểm chung là
việc duy trì các chỉ số trực quan về tiến độ công việc có thể giúp hạn chế
rào cản đối với làm việc sâu, loại bỏ kể cả các quyết định lên kế hoạch đơn
giản nhất, chẳng hạn như thực hiện vào lúc nào trong ngày.
Hãy xem ví dụ về Brian Chappell, vị tiến sĩ luôn bận rộn mà tôi đã giới
thiệu trong phần đầu. Chappell đã áp dụng triết lý nhịp nhàng khi lập kế
hoạch làm việc sâu ngoài mức cần thiết. Trong thời gian tập trung viết luận
án, anh đã được mời làm việc toàn thời gian tại trung tâm trong khuôn viên
trường mà anh từng theo học. Xét về mặt công việc, đây quả là một cơ hội
tốt và Chappell đã vui vẻ nhận việc. Nhưng xét về mặt học thuật, một công
việc toàn thời gian, đặc biệt là khi anh đang chuẩn bị chào đón đứa con đầu
lòng, sẽ khiến Chappell thật khó có thể tập trung đủ sâu để viết luận án.