này vẫn còn thiếu sót. Tôi cho rằng nó được đưa ra dựa trên sự hiểu biết
thiếu tường tận về lý thuyết sáng tạo bất ngờ. Để củng cố luận điểm này,
hãy xem xét nguồn gốc của quan điểm đặc biệt về những thứ thúc đẩy đột
phá.
Lý thuyết này xuất phát từ nhiều nguồn còn đang gây tranh cãi và nhờ may
mắn, tôi tình cờ biết đến một trong những nguồn nổi tiếng hơn cả. Trong
suốt bảy năm ở MIT, tôi đã làm việc tại Tòa nhà số 20 nổi tiếng của Viện.
Tòa nhà tọa lạc ở ngã tư giao cắt giữa phố Main và phố Vassar phía đông
Cambridge, rồi cuối cùng bị phá hủy vào năm 1998. Nơi đây từng được
dùng làm hầm trú ẩn tạm thời trong Thế chiến II, nhằm tránh sự lan tràn
phóng xạ từ Phòng thí nghiệm Bức xạ của Viện. Theo một bài viết trên tờ
New Yorker năm 2012, tòa nhà ban đầu được xem là một thất bại: “Hệ
thống thông gió rất kém còn hành lang thì tối tăm. Các bức tường mỏng vẹt
cùng mái nhà thủng lỗ chỗ khiến tòa nhà mùa hè thì oi bức, còn mùa đông
thì lạnh lẽo.”
Tuy nhiên, sau chiến tranh, các nhà khoa học vẫn tiếp tục đổ tới
Cambridge. MIT cần có thêm không gian, vì vậy thay vì ngay lập tức phá
hủy Tòa nhà số 20 như họ đã hứa với chính quyền địa phương (do việc cấp
phép không nghiêm ngặt), họ tiếp tục sử dụng nó làm không gian mở rộng.
Điều này đã làm nảy sinh sự bất cập giữa các khoa khác nhau, từ Khoa
Khoa học Hạt nhân đến Khoa Ngôn ngữ học rồi Khoa Điện tử đều dùng
chung tòa nhà thấp kế bên các tòa nhà đã được bí mật cho thuê làm cửa
hàng máy móc và cơ sở sửa chữa đàn piano… Do tòa nhà được xây dựng
với chi phí thấp, nên các nhóm có thể thoải mái sắp xếp lại không gian nếu
cần. Tường và sàn có thể được dịch chuyển và gắn thiết bị vào dầm. Khi kể
lại câu chuyện Jerrold Zacharias đã tạo ra chiếc đồng hồ nguyên tử đầu tiên
ra sao, bài báo trên tờ New Yorker kể trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng
của việc loại bỏ hai tầng khỏi phòng thí nghiệm của Tòa nhà số 20 để
Zacharias có thể lắp đặt xi-lanh ba tầng cần thiết cho thiết bị thử nghiệm
của mình.