Chiến lược này cho rằng bạn nên tuân theo chỉ dẫn của Kreider bằng cách
thường xuyên dành cho bản thân một khoảng tự do đáng kể để thoát khỏi
những ràng buộc trong công việc hằng ngày, tạo ra sự nhàn rỗi một cách
nghịch lý chính là điều cần thiết để hoàn thành công việc. Có nhiều cách để
đạt được mục tiêu này. Ví dụ, bạn có thể lánh xa thế giới như Kreider bằng
cách ẩn nấp trong “căn cứ bí mật”, nhưng không phải ai cũng thực hiện
được điều này. Thay vào đó, tôi muốn đề xuất một cách thức táo bạo nhưng
khả thi hơn: Vào cuối ngày làm việc, hãy ngừng lo lắng về công việc cho
đến sáng hôm sau – không kiểm tra e-mail sau bữa tối, không trò chuyện
tán gẫu và không lên kế hoạch để xử lý các thách thức sắp tới; hãy hoàn
toàn cắt đứt dòng suy nghĩ về công việc. Nếu cần thêm thời gian, hãy kéo
dài ngày làm việc của mình, nhưng sau khi ngừng làm việc, tâm trí bạn
phải dành trọn vẹn cho những cây mao lương hoa vàng, những con bọ xít
và các vì sao giống như Kreider.
Trước khi mô tả một số chiến thuật bổ trợ cho chiến lược này, tôi muốn tìm
hiểu lý do tại sao ngừng làm việc sẽ có lợi cho khả năng tạo ra sản phẩm
đầu ra có giá trị. Dĩ nhiên, đó là nhờ Tim Kreider đã tự thân cố gắng, nhưng
chúng ta vẫn nên dành thời gian để tìm hiểu về lĩnh vực khoa học đằng sau
giá trị của thời gian nghỉ ngơi. Một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn đã đưa
ra ba lời giải thích thỏa đáng cho giá trị này như sau.
Lý do số 1: Thời gian nghỉ ngơi sẽ bổ trợ cho những suy nghĩ quan
trọng
Hãy xem đoạn trích dưới đây được trích từ một bài báo xuất hiện trên tạp
chí Science năm 2006:
Hàng trăm năm qua, các tài liệu khoa học đã nhấn mạnh lợi ích của việc
cân nhắc kỹ càng khi đưa ra quyết định... Vấn đề đặt ra ở đây là liệu điều
này có được xem là hợp lý hay không. Chúng ta hãy giả sử rằng câu trả lời
là “Không”.