có tựa đề thú vị “Consider It Done!” (tạm dịch: “Cứ coi như đã xong đi!),
đưa ra. Hai nhà khoa học mở đầu nghiên cứu bằng cách tái tạo hiệu ứng
Zeigarnik trên các đối tượng được chọn (bằng cách giao nhiệm vụ rồi làm
gián đoạn quá trình thực hiện), và nhận ra rằng họ có thể làm giảm đáng kể
tác động của hiệu ứng bằng cách yêu cầu các đối tượng lên kế hoạch hoàn
thành nhiệm vụ dang dở ngay sau khi nó bị gián đoạn. Nghiên cứu viết:
“Việc lên kế hoạch cụ thể cho một mục tiêu không chỉ tạo điều kiện hoàn
thành mục tiêu mà còn có thể giải phóng nguồn nhận thức đối với những
mối quan tâm khác.”
Nghi thức nghỉ ngơi được mô tả trước đó cũng góp phần thúc đẩy chiến
lược này đánh bại hiệu ứng Zeigarnik. Dù không ép bạn phải xác định rõ
ràng kế hoạch cho từng nhiệm vụ trong danh sách (một yêu cầu rất nặng
nề), nhưng nghi thức này cũng buộc bạn phải sát sao với từng nhiệm vụ
trong danh sách chung, rồi xem lại các tác vụ này trước khi lên kế hoạch
cho ngày hôm sau. Nghi thức này giúp đảm bảo sẽ không có nhiệm vụ nào
bị bỏ sót: Các nhiệm vụ sẽ được xem xét hằng ngày và được giải quyết
trong thời gian phù hợp. Nói cách khác, tâm trí bạn sẽ được giải phóng khỏi
việc phải theo dõi tất cả nhiệm vụ mọi lúc mọi nơi – bởi nghi thức nghỉ
ngơi đã đảm nhận trách nhiệm đó.
Nghi thức nghỉ ngơi có thể khiến bạn cảm thấy phiền toái vì phải mất thêm
10-15 phút cuối ngày làm việc (và đôi khi còn tốn nhiều thời gian hơn thế),
nhưng nó là điều kiện cần để bạn thoát khỏi sự không hiệu quả có hệ thống
được hình thành trước đó. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn sẽ phải mất một
hoặc hai tuần trước khi hình thành thói quen này – đó cũng là khoảng thời
gian để tâm trí bạn tin tưởng vào nghi thức này, đồng thời bạn có thể thực
sự bắt đầu giải phóng bản thân khỏi những suy nghĩ có liên quan đến công
việc vào buổi tối. Một khi bạn đã quen với nghi thức này, nó sẽ trở thành
thói quen cố định trong cuộc sống của bạn – đến mức nếu không thực hiện
các thói quen đó, bạn sẽ cảm thấy khó chịu.