phát triển và đào sâu của tâm trí” dành cho những ai đang sống trong thế
giới của những ý tưởng. Thông qua The Intellectual Life, Sertillanges nhận
ra sự cần thiết của việc thành thạo những yếu tố phức tạp và giúp người đọc
sẵn sàng đương đầu với thách thức này. Qua đó, cuốn sách của ông đã
chứng minh được sự hữu ích của nó trong việc giúp con người nhanh chóng
nắm bắt được những kỹ năng (nhận thức) khó học.
Để hiểu được lời khuyên của Sertillanges, chúng ta hãy cùng xem lại lời
trích dẫn ở trên. Lời trích này được diễn đạt lại dưới nhiều hình thức trong
cuốn The Intellectual Life, theo đó Sertillanges lập luận rằng để nâng cao
tầm hiểu biết trong lĩnh vực của mình, bạn phải nắm được những chủ đề có
liên quan một cách có hệ thống, cho phép “tia hội tụ chú ý” khám phá ra sự
thật ẩn sâu trong mỗi chủ đề. Nói cách khác, ông cho rằng: Bạn phải tập
trung sâu sắc khi muốn học hỏi. Ý tưởng này hóa ra lại đi trước thời đại.
Trong quá trình suy ngẫm về hành trình của tâm trí vào thập niên 1920,
Sertillanges đã khám phá ra sự thật về việc thành thạo các công việc đòi hỏi
nhận thức, những công việc sẽ khiến giới học thuật phải mất thêm bảy thập
kỷ nữa để hình thức hóa.
Công việc hình thức hóa này chính thức bắt đầu từ thập niên 1970, khi một
nhánh của tâm lý học, đôi khi được gọi là tâm lý hiệu suất, bắt đầu khám
phá một cách có hệ thống về những điều làm nên sự khác biệt giữa các
chuyên gia (trong nhiều lĩnh vực khác nhau) với những người khác. Đầu
thập niên 1990, K. Anders Ericsson, một giáo sư tại Đại học Bang Florida,
đã tập hợp các manh mối để tạo nên một câu trả lời chặt chẽ, phù hợp với
những ấn phẩm nghiên cứu đang xuất hiện ngày càng nhiều, và đặt cho nó
một cái tên thuyết phục: thực hành có chủ đích.
Ericsson đã mở đầu bài luận về chủ đề mới mẻ này bằng một lời khẳng
định mạnh mẽ: “Chúng tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng những khác
biệt này [giữa chuyên gia và người thường] là bất khả biến… Thay vào đó,
chúng tôi đi đến kết luận rằng những khác biệt giữa chuyên gia và người