Trong Rapt, Gallagher đã tiến hành nghiên cứu khảo sát nhằm bổ trợ cho
hiểu biết này về tâm trí. Ví dụ, bà trích lời của nhà tâm lý Barbara
Fredrickson thuộc Đại học North Carolina, nhà nghiên cứu chuyên đánh giá
nhận thức về cảm xúc. Nghiên cứu của Fredrickson cho thấy, sau khi trải
qua một sự cố tồi tệ hay mang tính bước ngoặt trong cuộc đời, bạn thường
chọn tập trung vào những thứ có thể tạo thành đòn bẩy đáng kể nhằm thúc
đẩy thái độ của chính mình. Những lựa chọn đơn giản này có thể mang lại
“nút khôi phục” cho cảm xúc của bạn. Bà đưa ra ví dụ về cặp đôi thường
cãi cọ về chuyện phân chia việc nhà không công bằng. Bà gợi ý: “Thay vì
tiếp tục chăm chăm chú ý tới sự ích kỷ và lười biếng của đối phương, bạn
có thể tập trung vào sự thật rằng ít ra xung đột âm ỉ này cũng đã được phát
tiết, đó là bước đầu để giải quyết vấn đề và tiến tới cải thiện tâm trạng.”
Điều này có vẻ giống lời hô hào đơn giản hãy nhìn vào mặt tích cực, nhưng
Fredrickson thấy rằng, việc sử dụng khéo léo những “đòn bẩy” cảm xúc
này có thể tạo ra kết quả khả quan đáng kể sau những sự kiện tiêu cực.
Các nhà khoa học có thể quan sát tác động rồi đánh giá chúng dựa trên
quan điểm thần kinh học. Nhà tâm lý thuộc Đại học Stanford, Laura
Carstensen, là một ví dụ. Bà đã sử dụng máy quét fMRI để nghiên cứu
hành vi của não bộ lên các đối tượng được biểu hiện dưới dạng ảnh ảo tích
cực và tiêu cực, và khám phá ra rằng, ở những người trẻ, hạch hạnh nhân
của họ (trung tâm của cảm xúc) được đốt cháy bằng hoạt động ở cả hai loại
ảnh ảo; trong khi ở những người lớn tuổi, hạch hạnh nhân chỉ được đốt
cháy nhờ những hình ảnh tích cực. Carstensen đưa ra giả thuyết rằng,
những đối tượng lớn tuổi đã rèn luyện lớp vỏ não trước trán để nó có thể ức
chế hạch hạnh nhân khi có tác động tiêu cực. Những người này không hạnh
phúc hơn vì điều kiện sống của họ tốt hơn những người trẻ; mà là do họ đã
tổ chức lại não bộ để bỏ qua sự tiêu cực và tận hưởng sự tích cực. Nhờ
khéo léo quản lý sự chú ý của bản thân, họ đã cải thiện thế giới của mình
mà không cần thay đổi bất kỳ điều gì cụ thể.