thể hoặc tâm trí của một người bị đẩy tới giới hạn, trong nỗ lực tự nguyện
nhằm đạt được những điều vừa khó khăn vừa đáng giá.” Csikszentmihalyi
gọi nó là dòng chảy (flow) (một thuật ngữ được ông phổ biến trong cuốn
sách cùng tên xuất bản năm 1990). Vào thời điểm đó, phát hiện này đi
ngược lại những hiểu biết thông thường. Hầu hết mọi người đều giả sử (và
họ vẫn làm vậy) rằng sự thoải mái đó khiến họ hạnh phúc. Chúng ta muốn
làm ít hưởng nhiều. Nhưng kết quả từ các nghiên cứu ESM của
Csikszentmihalyi cho thấy hầu hết mọi người đều đã sai:
Trớ trêu thay, làm việc thực sự lại dễ chịu và vui vẻ hơn là ở không, bởi các
hoạt động dòng chảy có mục tiêu, quy tắc phản hồi và thử thách đều
khuyến khích chúng ta gắn bó với công việc, tập trung và đắm mình trong
đó. Mặt khác, nhàn rỗi và ở không đều là những việc không có cấu trúc rõ
ràng, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để hình thành thứ gì đó có thể đem lại niềm
vui.
Khi được đo lường theo trải nghiệm, mọi người thường hạnh phúc hơn
trong công việc, ngược lại, họ cảm thấy chán nản khi ở không. Theo các
nghiên cứu ESM đã được xác nhận, trong một tuần, các trải nghiệm dòng
chảy xảy ra càng nhiều thì sự hài lòng về cuộc sống của chủ thể càng cao.
Có vẻ như, con người sẽ trở nên tốt đẹp nhất khi họ đắm mình trong thứ gì
đó đầy thử thách.
Tất nhiên, vẫn có sự chồng chéo giữa lý thuyết dòng chảy và những tư
tưởng của Winifred Gallagher được nêu bật trong phần cuối chương. Cả hai
đều hướng tới tầm quan trọng của chiều sâu hơn là sự nông cạn, hời hợt,
nhưng họ lại chỉ tập trung vào hai cách giải thích khác nhau. Bài viết của
Gallagher nhấn mạnh: Nội dung của những gì chúng ta tập trung mới quan
trọng. Nếu tập trung cao độ vào những điều quan trọng, những điều hời hợt
tiêu cực sẽ bị bỏ qua, cùng với đó, chúng ta sẽ được trải nghiệm quá trình
làm việc lạc quan và ý nghĩa hơn. Ngược lại, lý thuyết dòng chảy của
Csikszentmihalyi dường như không liên quan tới nội dung của những thứ