Rời khỏi phòng trưng bày, bạn sẽ bước tới phòng khách. Tại đây, Dewane
hình dung ra một quán cà phê cao cấp và một quầy bar đầy đủ dịch vụ.
Ngoài ra còn có nhiều trường kỷ và cả Wi-fi. Phòng khách được thiết kế để
tạo ra tâm trạng “lơ lửng giữa sự tò mò và tranh luận dữ dội”. Đây là nơi để
tranh luận, “nghiền ngẫm” các ý tưởng mà bạn sẽ phát triển sâu hơn trong
cỗ máy.
Bước ra khỏi phòng khách, bạn sẽ tiến tới thư viện. Căn phòng này lưu trữ
bản ghi vĩnh cửu của mọi thành quả công việc được thực hiện trong cỗ
máy, cũng như các cuốn sách và những nguồn tài nguyên khác được sử
dụng để tạo nên thành quả đã có. Dewane sẽ đặt một chiếc máy photocopy
và máy scan để thu thập và tập hợp thông tin bạn cần cho dự án của mình.
Anh mô tả thư viện giống như “ổ cứng của cỗ máy”.
Phòng tiếp theo là khu vực văn phòng, gồm một phòng hội nghị tiêu chuẩn
cùng một tấm bảng trắng và một số phân khu có bàn làm việc. Dewane giải
thích: “Văn phòng là nơi dành cho hoạt động có cường độ thấp.” Theo cách
nói của chúng ta, đây là không gian để hoàn thành những nỗ lực hời hợt mà
dự án cần đến. Dewane hình dung ra một quản trị viên với bàn làm việc
trong văn phòng có thể giúp người dùng cải thiện thói quen nhằm tối ưu
hóa hiệu suất làm việc.
Từ đây, chúng ta sẽ đến phòng cuối cùng của cỗ máy, nơi tập hợp những gì
mà Dewane gọi là “phòng làm việc sâu” (anh đã sử dụng thuật ngữ “làm
việc sâu” rút ra từ các báo cáo của tôi về chủ đề này).
Mỗi phòng cao khoảng 2m và rộng khoảng 3m với tường cách âm rất dày
bao quanh (Dewane dự định làm lớp cách âm dày khoảng 5,5m). Anh giải
thích: “Phòng làm việc sâu sẽ cho phép chúng ta tập trung tối đa và luồng
công việc không bị gián đoạn.” Anh hình dung ra quá trình làm việc sâu
kéo dài suốt 90 phút, rồi nghỉ 90 phút và cứ thế lặp lại hai hoặc ba lần – đó
chính là thời điểm não bộ của bạn sẽ đạt được giới hạn tập trung trong
ngày.