của làm việc sâu rồi, thì chẳng phải thế đã đủ để bạn bắt tay vào làm việc
sâu nhiều hơn rồi sao? Chúng ta có thực sự cần những thứ phức tạp như Cỗ
máy Eudaimonia cho một điều gì đó đơn giản như việc nhớ phải tập trung
thường xuyên hơn hay không?
Thật không may, khi nhắc đến việc thay thế sự sao lãng bằng sự tập trung,
thì vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy xem
xét kỹ một trong những trở ngại chính của việc tập trung sâu: Sự thôi thúc
trong việc chuyển sự chú ý sang một số điều hời hợt hơn. Hầu hết mọi
người đều nhận ra sự thôi thúc đó có thể khiến họ khó tập trung vào những
việc khó khăn hơn, nhưng họ hầu như không lường được rằng việc đó sẽ
diễn ra thường xuyên và mạnh mẽ đến như vậy.
Hãy xem xét một nghiên cứu do các nhà tâm lý học Wilhelm Hofmann và
Roy Baumeister thực hiện năm 2012, trong đó, họ đã trang bị cho 205
người lớn những chiếc máy nhắn tin được kích hoạt tại một thời điểm được
lựa chọn ngẫu nhiên (đây là phương pháp mẫu đã được thảo luận trong
Phần 1). Khi tiếng bíp vang lên, các đối tượng nghiên cứu được yêu cầu
tạm dừng một chút để suy ngẫm về những ham muốn hiện tại của họ hoặc
họ cảm thấy như thế nào trong 30 phút qua, sau đó họ phải trả lời một loạt
các câu hỏi về những ham muốn này. Sau một tuần, các nhà nghiên cứu đã
thu thập được hơn 7.500 mẫu. Đây là tóm tắt ngắn gọn những gì họ thấy
được: Mọi người phải đấu tranh với những mong muốn suốt cả ngày. Theo
những gì Baumeister đã tóm tắt trong cuốn sách tiếp theo của ông mang tên
Willpower (tạm dịch: Ý chí) (đồng tác giả với nhà văn chuyên về đề tài
khoa học John Tierney): “Mong muốn hóa ra lại là tiêu chuẩn, chứ không
phải là ngoại lệ.”
Trong năm ham muốn phổ biến nhất của các đối tượng này, không có gì
ngạc nhiên khi danh sách bao gồm ăn, ngủ và quan hệ tình dục. Nhưng
danh sách năm ham muốn hàng đầu cũng bao gồm những mong muốn như
“nghỉ ngơi không phải làm việc [vất vả]... kiểm tra e-mail và các trang