còn nghi ngờ gì nữa, ông đại thần rất mực lịch sự không phải là con tốt.
Ông này nắm trong tay mình những con bài tốt nhất: ông là người điều
khiển mọi việc. Người ta cũng nói rằng ông là cố vấn đặc biệt của bà Đặng
Thị Huệ, ái phi chính thức của Chúa và thân mẫu của Đông cung Thế tử
nhỏ tuổi. Cả hai người liên kết với nhau tổ chức ra đám quân đặc nhiệm để
trục lợi cho mình, làm rối loạn quyền lực mà Chúa Trịnh Sâm đau ốm đã để
lại. Sau những cuộc điều tra, ban đêm bọn lính gác các phủ liêu phái lính
tráng đi cướp phá các tư gia. Lo sợ bị kết tội chứa chấp những vật tặng
dành cho Chúa, các nhà giàu trong thành phố đập tan hòn non bộ, phá huỷ
cây cảnh, tống vỡ những đồ sứ cổ. "Thế là tôi đành chấm dứt thú vui chơi
cây cảnh bốn mùa", viên chủ quán đã than phiền như vậy.
Đoàn đi qua cửa điện Khánh Thuỵ và gác Quang Minh. Trông thấy nhiều
người đang đẩy xe trên đường, vị lương y tự hỏi đã có bao nhiêu người đi
khỏi kinh đô trước những biến loạn triền miên. Theo Tống Thuần và Sứ
cho hay thì thật ra có rất nhiều. Lúc này lòng biết ơn của ông hướng về các
môn đệ trẻ tuổi đã vô tình đem lại cho ông một cơ sở hy vọng.
Đoàn hộ tống đi vào Nam Môn còn gọi là cửa Đại Thịnh nơi mà trước đây
các ngài đại quan tổ tiên ông đã vượt qua trên những thớt voi đến bệ kiến
nhà Vua trong Hoàng thành triều Lê. Sau đó đoàn rẽ về hướng Đại Hồ rồi
đi xa thêm quãng một lý, họ dừng lại trước dinh thự quan Chánh đường.
Viên quan hộ tống đã có mặt với đôi mắt ranh mãnh dò xét, ông chăm chú
quan sát trước khi đưa vị y sư vượt qua nhiều vọng gác quan trọng bên
chiếc vòm cửa khá rộng mà bầy voi có thể đi lại.
- Thưa y sư tôn kính, vào giờ này quan Chánh đường vẫn chưa ra khỏi
tư dinh, người tôi tớ hèn mọn này không dám quấy rầy ngài. Nhưng dứt
khoát là cụ Lớn thế nào cũng sẽ đi qua đây để đến dự cuộc bệ kiến, cụ đừng
sợ lỡ dịp gặp ngài.
Rồi ông lấy tay chỉ chiếc kiệu lớn đặt ở giữa sân rộng lát đá cẩm thạch có