hằng tháng theo khế ước, nhưng tất nhiên tên điền chủ bây giờ không đứng
tên Trương Đại Xuân nữa.
Trăm năm mươi lượng điền tô mà Trương Đại Xuân đã bòn rút của
Trương gia đã có quan sai giải quyết, Trương Nguyên giờ chỉ cần lo chuẩn
bị đến trường xã học thôi.
Sáng sớm ngày hai mươi hai tháng bảy, Trương Nguyên mời Trương
Đại huynh của Tây Trương đưa mình tới trường xã sau phủ học cung để bái
sư.
Tiểu nô Vũ Lăng mang theo một chiếc giỏ lớn, trong giỏ có rau tươi bốn
màu, bánh gạo một khoanh, rượu ngon một vò, thịt lợn hai cân. Đó là lễ vật
để bái sư.
Đại Minh triều khi mới khai quốc, Chu Nguyên Chương đã hạ chiếu lập
ra trường xã, mỗi năm mươi nhà phải lập một trường xã để con nhà lành
được đi học tử tế. Trường xã đều là do triều đình mở ra, các bộ sách như Tứ
thư Ngũ kinh đều được miễn phí, thầy dạy ở trường xã là do Huyện lệnh
mời tới, tiền công cũng do Huyện lệnh chi trả, học trò theo học ngoại trừ
sính lễ lần đầu bái sư ra thì không phải trả bất cứ một khoản phí nào khác
nữa.
Các trường trong niên hiệu Vĩnh Lạc, Tuyên Đức là có đông Nho đồng
tới học nhất, người ta gọi là “ Nhà có tiếng đọc nho nhã, người có ý chí
thanh tao”. Chu Nguyên Chương thông qua con đường khoa cử đã lôi kéo
được sĩ tử khắp thiên hạ. Thế nhưng sau niên hiệu Gia Tĩnh khắp nơi lại
mọc lên các trường học tư, có một số trường xã ở các châu huyện dần dần
đã bị phế bỏ. Phủ Thiệu Hưng là nơi đất học, trường xã được tổ chức khá
quy củ, chỉ tính riêng huyện Sơn Âm đã có gần hai trăm trường. Ngôi
trường sau Phủ học cung này mấy năm nay vì có thầy giỏi tới dạy mà các
Nho đồng đỗ Đồng sinh, Sinh đồ nhiều hơn hẳn các trường khác, bởi vậy