Sau giờ Ngọ ngày hôm đó, thuyền buồm trắng rời khỏi Hàng Châu, đến
sau giờ ngọ ngày mười ba tháng chạp thì đến Hội Kê. Thành Hội Kê cũng
phủ đầy băng tuyết, Trương Nguyên và Kỳ Bưu Gia lên bờ ở bến cảng
Đông Đại Trì, cả hai đều là con rể của nhà họ Thương ở Hội Kê, nên đi
ngang qua đương nhiên phải ghé vào thăm hỏi. Trương Đại, Trương Ngạc
đi cùng với Hoàng Tôn Tố, Nghê Nguyên Bưu về Sơn Âm.
Kỳ Bưu Giai thấy người hầu của Trương Nguyên gánh theo một gánh lễ
vật, trên tay Vũ Lăng còn cầm theo một hộp quà nữa, bèn nói:
- Giới Tử huynh, tiểu đệ chưa chuẩn bị lễ vật gì cả, vậy phải làm thế nào
bây giờ?
Trương Nguyên bèn nói:
- Vậy thì cứ coi như số lễ vật này là của hai ta cùng đem đến tặng.
Kỳ Bưu Giai quyết không chịu ké món hời của Trương Nguyên, ra lệnh
cho người hầu mau chóng đi chuẩn bị lễ vật tám màu, y cũng không theo
Trương Nguyên cùng vào Thương phủ, mà đứng bên ngoài tường đợi.
Trong hậu viện nhà họ Thương, chẳng thể phân biệt được đâu là mai
hồng, mai trắng, vì cây nào cây nấy đều phủ trắng băng tuyết, mùi thơm
nhẹ nhàng của hoa mai thoang thoảng trong những cơn gió lạnh cắt da cắt
thịt. Sau giờ ngọ, Thương Đạm Nhiên cùng nô tỳ Vân Cẩm đang chơi đá
cầu trên tuyết ở hậu viện, Thương Đạm Nhiên không mặc áo lông dày, mà
chỉ mặc áo vải bố đơn giản, bên dưới là váy dài bằng lụa Thanh Hoa, không
chút son phấn, thanh lịch yểu điệu. Hai tay nàng khẽ túm váy, đôi chân
khều, gắp, đỡ, đá, quả cầu bằng da tung lên tung xuống, bị thao túng bởi
chân nàng như thể bị cột vào chân bằng một sợi dây vậy. Đột nhiên nàng bị
trượt chân, bèn thuận đà ngồi bệt xuống tuyết, cười mãi không thôi, rồi
chẳng đợi nô tỳ Vân Cẩm đến đỡ, nàng đã tự mình đứng dậy, không bị
quấn chân mới tốt làm sao.