Báo cáo rất dài, toàn là những con số phức tạp, tôi xem rất chậm.
Nhưng Y Y đọc rất nhanh, vội vàng đến tìm tôi, thấy tôi vẫn cầm
bản báo cáo trên tay, cô bực mình nói: “Đừng xem nữa, không có
gì hay đâu, L. Skin là ả trộm cắp!”.
Tôi bảo Y Y ngồi xuống nói từ từ thôi, đồng thời bảo cậu Phí đi
gọi Nhị Hồ đến cùng nghe. Cô ngồi phịch xuống ghế, sốt ruột tỏ
vẻ muốn nói ngay. Tôi ra hiệu bảo chờ Nhị Hồ đến hãy nói, cô
bất chấp, nói ngay: “Cũng chẳng có gì đáng nói, đây là một tin
xấu xa cho giới mật mã, em có thể khẳng định, người Mĩ không
dùng mật mã Khó khăn của thế kỉ mà đem cho Đài Loan, chắc
chắn là vì họ đã phát hiện sự độc ác xấu xa của L. Skin, nghi ngờ
nhân cách của bà ta. Một người lập mật mã mà nhân cách bị
nghi ngờ, vậy ai dám dùng mật mã của người đó? Hơn nữa, bà ta
còn có cái đuôi Liên Xô rất dài”.
Y Y nói một hồi làm cho tôi và Nhị Hồ vừa đến đầu còn ướt hơi
sương nhìn cô hoang mang không hiểu ra sao.
Y Y giải thích: “Thật ra cũng đơn giản thôi, hai anh đều là những
người nhiều năm trong nghề mật mã, chắc chắn đều biết, trong
Thế chiến thứ hai, người Đức sử dụng một bộ mật mã rất nổi
tiếng, gọi là Mê mật”.
Tôi hỏi: “Có phải là mật mã ENGMA
Y Y nói: “Đúng vậy, chính là ENGMA”.
Nhị Hồ nói: “Tôi biết ENGMA, đấy là thế hệ mật mã cơ giới đầu
tiên”.
Y Y nói: “Trong giới giải mã gọi nó là Mê mật, vì bản thân nó là
Mê mật, sau khi chế tạo thành công máy mật mã lấy tên gọi là
ENGMA, nhưng kì thực chúng chỉ là một”.