cho em xem. Cho nên lúc viết thư cho chị Tư Tư, anh dùng hai
lớp giấy than để có ba bản thư, trong đó một bản gửi cho em
(bản thứ ba sẽ giao cho lưu trữ hồ sơ của đơn vị). Em có thể xem
trước thư của anh gửi cho chị Tư, như vậy em sẽ rõ ngay tại sao
cho đến nay (không ai biết “đến nay” là năm nào, tháng nào)
mới nhận được thư của anh. Là bởi, trong thư anh nói đến
chuyện của bố em, chuyện chưa đến thời hạn giải mật. Chờ giải
mật cũng giống như chờ số phận, anh tin rằng “ngày ấy” nhất
định sẽ đến, nhưng “ngày ấy” là lúc nào, chỉ có trời mới biết. Có
thể, em đọc thư của anh gửi chị Tư cũng đã phát hiện, thư ấy
anh viết từ nửa năm trước, tại sao mãi đến lúc này mới gửi thư
cho em? Tuy anh biết, em rất mong anh kể “chuyện ấy” - chuyện
mà bố nói trong di chúc là chuyện gì. Nhưng anh cũng biết, anh
không thể đáp ứng mong muốn của em. Cho nên, anh vẫn nghĩ
mình sẽ không viết lá thư này, không ngờ, sự việc bây giờ đã
thay đổi. Chính vì sự thay đổi này nên em có quyền được biết
chuyện ấy.
Hai hôm trước, ông Vương, Cục trưởng trên Tổng cục về kiểm
tra công tác, ông ấy đã gặp anh, nói rất nhiều chuyện liên quan
đến bố em, ông còn nhắc đến “chuyện ấy”. Lúc ấy anh ngớ ra,
“chuyện ấy” hoàn toàn là bí mật của anh và bố em, không hiểu
sao ông Vương lại biết? Thì ra bố em viết di chúc cho anh xong,
đến hôm sau trước khi ông mất, ông lại dùng chút hơi sức cuối
cùng nói thẳng với tổ chức. Bởi sự việc có liên quan đến bí mật
phá khóa mật mã, trước lúc nói ra không ai biết, cho nên em
không thể biết. Lúc ấy, chỉ có ông Vương có mặt, ông kể lại, bố
em nói xong “chuyện ấy”, giống như đã hoàn tất mọi việc trong
đời, bảo đi là đi, thậm chí suýt nữa mọi người không kịp cáo biệt
ông.
Kính thưa sư phụ, kính thưa sư phụ! Xin đừng, xin đừng, xin sư
phụ đừng nói đến “chuyện ấy”. Tại sao sư phụ không tin con?