thường có cái hữu ý triệt để đạt đến cái vô ý là không thể, chỉ có
thể cố gắng tiếp cận. Mà cố gắng tiếp cận lại không phải là vô
cùng tận, bởi tiếp cận đến một mức độ nào đó, cái sợi dây “hữu
ý” giống như sợi tơ nhện, có thể đứt bất cứ lúc nào, đứt thì
người cũng coi như xong, bỗng chốc trở thành người điên. Cho
nên nói, nghề phá khóa mật mã là hồ đồ, tàn khốc, nó vừa yêu
cầu phải vờ điên, cố đạt đến giới hạn của người điên, vừa yêu
cầu có cái tinh thông của một nhà khoa học, nắm thật vững
ranh giới giữa người thường và người điên, không được vượt
quá ranh giới, quá ranh giới tất cả đều hỏng, giống như sợi tóc
bóng đèn điện bị cháy. Sợi tóc đèn trước khi cháy luôn luôn loé
sáng, người phá khóa mật mã giỏi chính là sợi tóc đèn lúc sáng
nhất, bất cứ lúc nào cũng có thể ra đi.
Bố của em là sư phụ giỏi nhất trong nghề phá khóa mật mã được
mọi người công nhận. Ông là người cố chấp hiếm thấy, mấy
chục năm ngày nào như ngày nào, không một phút nào không
đặt mình trong trạng thái phá khóa cao nhất, đó cũng chính là
trạng thái của sợi tóc đèn lúc sáng nhất, đấy là sự mạo hiểm
điên khùng. Chỉ có người điên mới dám mạnh dạn như thế. Ông
đạt đến đỉnh cao vinh quang của một người phá khóa mật mã,
mặt khác điều đó cũng đặt ông bên bờ vực bất cứ lúc nào cũng
“cháy mất”, bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành người điên. Nói
đến đây em nên hiểu tại sao bố em vào những năm cuối đời lại
bị chứng bệnh ấy - chứng bệnh em cho là kì lạ - đấy là cái tất yếu
xuất hiện trong số phận của ông, không có gì kì lạ. Theo tôi, cái
đáng kì lạ là, ông không bị số phận hạ gục đến tận cùng, giống
như sợi tóc đèn, trong bóng tối lại từ từ loé sáng.
Đấy mới thật sự là kì tích!
Nhưng với bố em, suốt cuộc đời đều là kì tích, có thêm một kì
tích nữa cũng không phải là điều kì lạ.