Sáng ngày thứ ba, chúng tôi ra chợ. Tôi đề nghị nấu cho ông bữa
cơm. Hồi ở Manhattan tôi cũng hay nấu ăn mời bạn bè. Ông có vẻ bất
ngờ nhưng rất vui. Chúng tôi mua gạo, rau, rau thơm và gia vị. Tôi
định làm cà ri chay, món tôi thường nấu cùng cô bạn người Ấn ở New
York. Tôi hỏi ông đồ bào khoai. Ông chẳng hiểu tôi nói gì. Ông có
mỗi một con dao. Nó cùn trơ.
Tôi chưa từng nấu bếp củi. Cơm bị khê. Cà ri sôi ùng ục, trào ra làm
lửa tắt. Ông kiên nhẫn nhóm lại.
Thế mà ông vẫn khen ngon.
Chúng tôi ngồi xếp bằng trên ghế dùng bữa. Nấu ăn giúp tôi khuây
khỏa. Giờ nỗi buồn đã trở lại.
“Cô đã nghĩ mình sẽ gặp lại cha sao?” Ông hỏi.
Tôi gật đầu. “Dẫu đau lòng lắm.”
U Ba không nói gì.
“Cha ông còn sống không?” Hồi sau tôi hỏi.
“Không. Cha tôi mất vài năm trước.”
“Ông bị bệnh à?”
“Cha mẹ tôi già rồi, ở Myanmar đã là thọ lắm.”
“Họ mất đi có khiến đời ông thay đổi không?”
U Ba ngẫm nghĩ. “Xưa tôi túc trực bên mẹ còn giờ ở một mình
nhiều hơn. Ngoài ra cũng chẳng khác là mấy.”
“Bao lâu ông mới vượt qua mất mát đó?”
“Vượt qua à? Có lẽ tôi sẽ không dùng từ ấy. Khi vượt qua điều gì, ta
tiến lên và bỏ chúng lại đằng sau. Ta bỏ người đã mất đằng sau hay ta
mang họ theo cùng? Tôi thiên về hướng thứ hai. Họ song hành cùng
ta. Họ ở bên ta, chỉ là trong hình thái khác. Chúng ta phải học cách
chung sống cùng họ và sự ra đi của họ. Với tôi thì mất vài ngày.”
“Chỉ vài ngày thôi sao?”
“Khi hiểu mình chưa hề mất họ, tôi liền lấy lại được tinh thần. Tôi
nghĩ về họ hằng ngày. Có dịp là tôi lại tưởng tượng lời họ sẽ nói. Tôi