thường trực đối với tôi. Có thế giới người ốm sắp chết cùng thế giới
người khỏe mạnh. Những người khỏe mạnh, tráng kiện không muốn
biết gì về những người đang ốm đau hay hấp hối. Như thể hai bên
chẳng có gì dính dáng. Như thể một bước sai trên băng mỏng, một
ngọn nến bỏ quên không đủ để bứt ta từ thế giới bên này tống cổ sang
bên kia. Hoặc tấm hình X quang với khối u trắng trên ngực.
U Ba mang đĩa vào bếp. Ông thổi phù phù vào lửa, đút thêm củi và
đun nước.
“Không cần pha trà cho tôi đâu,” tôi gọi với rồi đứng dậy, quay ra
cửa. “Ông đi với tôi nhé?”
“Tất nhiên rồi,” U Ba nói vọng ra qua bức tường gỗ. “Đi đâu thế?”
Chúng tôi bước chậm lại. Tôi hổn hển nhưng không phải do ngọn
đồi. Dốc chỉ thoai thoải. Chúng tôi đang trên đường đến điểm dừng
cuối của cuộc truy tìm. Tôi đã đứng trước căn nhà nơi cha mất. Tôi đã
ăn trong khu vườn cha sống thuở bé và thiếu thời. Giờ tôi muốn biết
chốn ông kết thúc hành trình.
“Không có mộ bia gì cả. Gió cuốn tro cốt ông ấy đi khắp chốn,” U
Ba nói trước với tôi. Tôi sự cảnh nghĩa trang. Như thể tôi sẽ phải chấp
nhận rằng hành trình của riêng mình rồi cũng khép lại.
Con đường lát gạch chật hẹp dần thay bằng đường đất, rồi thành lối
đi gập ghềnh lầy lội. Một lát sau, tôi nhìn ra vài ngôi mộ lấp ló giữa
bụi cây và cỏ úa. Những phiến bê tông nâu xám, nhiều phiến trang trí
rất công phu, trên khắc tiếng Myanmar, số còn lại để trơn, không chạm
trổ gì, vùi trong đất cát chẳng khác nào gạch ngói ở khu công trường
bỏ hoang, cỏ mọc ra từ kẽ hở trên vài phiến đá. Mấy phiến khác mọc
đầy thạch nam. Chẳng chỗ nào có hoa tươi. Chẳng mộ nào được coi
sóc.
Chúng tôi leo lên và ngồi trên đỉnh đồi. Heo hút quá. Dấu hiệu duy
nhất của con người là những đường mòn ngoằn ngoèo như kiến bò qua
núi. Không gian tĩnh lặng. Đến cả gió cũng thôi rì rào.