Người con trai kia vẫn xuất hiện trong hình.
Bức cuối chụp năm 1989, tức hai năm trước khi cha tôi trở về. Mi
Mi gầy đi nhiều. Trông bà yếu và xuống sức. U Ba đứng cạnh. Liếc
qua hai lần là tôi nhận ra ngay. Nhìn ông trẻ hơn bây giờ. Tôi trải hình
ra trước mặt và xem xét từng tấm.
Đầu tiên là tim tôi nhận ra nét tương đồng. Nó đập rộn đến mức
phát đau. Não cần mấy giây mới đủ sức tượng hình cái suy nghĩ táo
bạo và diễn đạt thành lời. Mắt tôi lia từ bức hình này sang bức hình
khác. Người đàn ông trong tấm hình chụp năm 1969 là U Ba. Có lẽ
người mười năm trước nữa cũng là ông, điểm giống nhau với cậu bé
bên cạnh Mi Mi cũng rõ như ban ngày. Tôi nhẩm tính. Tôi tưởng
tượng U Ba đứng trước mặt. Cánh mũi dày. Nụ cười. Chất giọng nhỏ
nhẹ. Cách ông gãi đầu. Tôi chợt hiểu ông gợi tôi nhớ đến ai. Sao ông
không nói lời nào?
Tôi muốn gặp U Ba ngay. Nhưng ông không có nhà. Hàng xóm bảo
ông lên phố. Trời đã xế chiều. Tôi hết đi lên lại dạo xuống đường
chính tìm kiếm. Song chưa ai gặp ông.
Ông đã ghé qua quán trà. Nhân viên nhận ra tôi nên cho biết ngày
nào ông cũng đến đó hai lần. Tuy nhiên, hôm nay chắc chắn ông sẽ
không quay lại. Bởi hôm nay là 15. Cô biết đấy, Tin Win và Mi Mi
mất vào ngày 15, hơn bốn năm nay, cứ vào 15 hằng tháng, người dân
Kalaw lại tổ chức đêm tưởng niệm cặp tình nhân ấy. Có lẽ giờ này U
Ba đang trên đường đến nhà Mi Mi. Tôi chỉ cần băng qua đường ray
và đi theo dòng người.
May mà vừa kịp lúc. Khi đến ga, tôi trông thấy đoàn người rồng rắn
lên đồi. Phụ nữ đội trên đầu thúng, rổ đựng cơ man nào chuối, xoài, đu
đủ. Đàn ông cầm nến, nhang và hoa. Màu đỏ, lục, lam của váy longyi,
màu trắng ngần của áo thun, áo khoác ánh lên dưới bóng chiều tà.
Được nửa đường, tôi nghe thấy giọng đám trẻ. Hòa cùng tiếng chuông
leng keng trong gió, chúng ca vang giai điệu tôi nghe vẳng lại từ tịnh
xá trên núi mấy hôm trước.