tư lự. Ông mất, song đó chẳng phải tột cùng đau đớn, cả với tôi lẫn với
ông. Ông không kháng cự. Ông ra đi yên bình. Ông chết vào lúc và ở
nơi ông chọn. Cùng người ông chọn. Tôi không phải người kề bên cha
cũng chẳng sao. Nó không khiến yêu thương ông dành cho tôi vơi đi.
Vài phút sau tôi lại chìm vào giấc ngủ.
Tôi tỉnh dậy thì đã sáng bảnh mắt. Căn phòng oi bức nên tắm nước
lạnh thật sảng khoái.
Nhân viên phục vụ gà gật phía góc phòng ăn. Có lẽ anh ta ở đây
suốt từ 7 giờ sáng. Trứng rán hay ốp la. Trà hay cà phê.
Tôi nghe tiếng cô nhân viên lễ tân bước vào phòng ăn. Cô đến trước
mặt tôi, máy móc cúi chào rồi đặt phong thư màu nâu lên bàn. Cô bảo
U Ba mang tới lúc sáng sớm. Là thư thì quá dày. Tôi mở ra. Bên trong
có năm tấm ảnh cũ, màu tô tay, gợi nhớ bưu thiếp từ những năm 1920.
Ngày tháng ghi bằng bút chì ở mặt sau. Bức đầu tiên là năm 1949.
Một thiếu nữ ngồi xếp bằng trước bức tường nhạt. Cô khoác trên mình
chiếc áo đỏ và mặc váy longyi, mái tóc đen búi tó cài đóa hoa vàng.
Miệng thoáng nụ cười. Ắt là Mi Mi. U Ba không hề nói quá. Bà sở
hữu nét duyên dáng và vẻ đẹp vô cùng ấn tượng, khuôn mặt ẩn tàng
niềm an nhiên khiến tôi xúc động lạ kì. Ánh nhìn sắc sảo, như thể bà
chỉ nhìn tôi chứ không ai khác. Cạnh bà là một cậu bé chừng tám, chín
tuổi. Con của anh bà chăng? Cậu bé nghiêm nghị nhìn vào ống kính.
Các bức hình cách nhau mười năm, luôn chụp Mi Mi ở cùng một tư
thế. Trông bà chẳng già đi là bao trong bức thứ hai. Một chàng thanh
niên đứng phía sau, tay đặt lên vai bà. Cả hai người mỉm cười, nụ cười
vẫn thân thiện và cởi mở nhưng rõ nét u sầu.
Trong tấm kế, thời gian bắt đầu in dấu, dẫu nó không thể cướp đi
nét rạng ngời nơi người phụ nữ ấy. Tôi thấy Mi Mi khi về già lại càng
đằm thắm hơn. Ở bên nhà, tôi chưa từng biết bất cứ người đàn bà nào
không viện đến mĩ phẩm hay phẫu thuật để đẩy lùi, hoặc chí ít là che
giấu, dấu hiệu lão hóa, dẫu chỉ là cố đấm ăn xôi. Còn Mi Mi, bà đón
nhận tuổi già như lẽ tự nhiên.