“Nếu cô đã bảo vậy, tôi sẽ vui vẻ tin rằng trong thế giới của cô
chẳng có cha mẹ nào không yêu thương con dù vì bất cứ lý do gì. Họa
chăng những kẻ ấu trĩ và vô học mới làm thế, thêm một bằng chứng
cho sự lạc hậu của đất nước tôi. Chỉ có thể xin cô độ lượng bỏ quá
cho.”
“Tất nhiên tôi không có ý đó. Chỉ là với chúng tôi, nguyên nhân
không phải bởi trăng sao.”
Ông ta nhìn tôi và lại lặng im.
“Tôi không đi gần mười ngàn cây số để nghe kể chuyện, cha tôi ở
đâu?”
“Xin cô nhẫn nại thêm một chút. Đây là chuyện về cha cô.”
“Ông nói vậy nhưng chứng cứ đâu? Nếu có khi nào đó trong đời
cha tôi mù lòa, ông nghĩ rằng chúng tôi, những người thân thích, lại
không hề hay biết ư? Cha phải kể với mẹ con tôi chứ.”
“Có vẻ cô rất chắc chắn.”
Ông ta biết là không phải.
Tôi bảo với ông ta, tôi chẳng cần đến phương pháp nội quan và tự
phân tích
. Có lẽ tôi là một trong số ít những người New York chưa đi
trị liệu tâm lý bao giờ. Tôi không phải kiểu sẽ vạch lá tìm sâu lần tìm
nguyên nhân các vấn đề thời ấu thơ, tôi cũng chẳng ngưỡng mộ kẻ nào
làm vậy. Tôi nhắc lại rằng, tôi không tin cha tôi từng bị mù, nhưng
càng nói, câu chuyện lại càng như ám chỉ ai đó khác chứ chẳng phải
tôi nữa. Ông ta lắng nghe rồi gật đầu. Chừng như ông ta hiểu chính
xác hàm ý câu nói và đồng ý với tôi. Khi tôi dứt lời, ông ta bảo muốn
biết trị liệu là gì.
Ông ta nhấp một ngụm trà.
“Julia à, e là tôi phải cáo lỗi với cô. Từ lâu, tôi không còn quen nói
nhiều thế này nữa. Thường thì cả ngày của tôi trôi qua trong tĩnh lặng.
Đến tuổi này rồi, chẳng còn bao nhiêu để nói. Tôi biết cô muốn hỏi tôi
về Mi Mi, người phụ nữ cha cô biên thư. Cô còn muốn biết tên tuổi,