"Nôđecnây" từ Côpenhaghen, "Người ca sĩ xứ Êcôt" từ Glazgô hay
"Gianđa" từ Boocđô đến.
Trong phòng bà Magđa có rất nhiều vật dụng của nhà hát: gấm, lụa,
tuyn, băng, đồ ren, mũ dạ thời xưa gắn lông đà điểu đen, khăn san của
người Digan, tóc giả bạc trắng, ủng cổ loe gắn cựa bằng đồng, các loại
gươm, quạt và những đôi giầy dát bạc đã sờn ở những nếp gấp. Tất cả
những thứ đó phải được vá víu sửa chữa, lau chùi và là phẳng.
Trên tường treo những tranh nhỏ cắt ra từ sách báo: kỵ sỹ thời vua Luis
XIV, mỹ nhân bận váy bông, hiệp sĩ, phụ nữ Nga trong bộ xaraphan, thuỷ
thủ và bọn Viking trên đầu mang những vòng lá sồi. Muốn lên phòng phải
leo một cái thang dựng đứng. Ở đấy thường phảng phất mùi sơn và mùi
vec-ni bốc lên từ lớp vàng mạ.
Đanhi hay đi xem hát. Đó là một việc thú vị. Nhưng sau những buổi
xem kịch ấy, Đanhi thường thao thức mãi không ngủ được và đôi khi lại cứ
nằm trên giường mà khóc. Bà Magđa lấy thế làm lo lắng và thường an ủi
Đanhi. Bà nói rằng không nên mù quáng tin những gì diễn ra trên sân khấu.
Nhưng ông Ninxơ thì vì thế lại gọi bà là "mụ nái xề" và nói rằng, ngược lại,
nên tin mọi điều ở nhà hát. Nếu không thì người ta chẳng cần đến nhà hát
nào nữa. Thế là Đanhi tin. Tuy vậy bà Magđa vẫn cứ nhất định đòi đi nghe
hoà nhạc để đổi món. Ông Ninxơ không phản đối ý kiến ấy.
"Âm nhạc, - Ông nói, - đó là gương mặt của thiên tài".
Ông Ninxơ thích dùng những danh từ cao siêu và mơ hồ. Ông bảo
Đanhi giống như hợp âm dầu tiên của một tự khúc. Còn bà Magđa thì, theo
lời ông, lại có một quyền lực siêu phàm đối với mọi người. Quyền lực đó là
ở chỗ bà may trang phục sân khấu. Mà ai chẳng biết rằng con người cứ mỗi
lần mặc bộ đồ mới là biến đổi hẳn. Thành thử vẫn một anh diễn viên hôm
qua là tên giết người bỉ ổi, hôm nay đã trở thành chàng nhân tình say đắm,
ngày mai là anh hề của nhà vua, còn ngày kia lại thành vị anh hùng dân tộc.