trở thành quen thuộc với độc giả qua những tác phẩm nối tiếp nhau ra đời.
Cuốn sách đầu tiên được Paustovsky coi là tác phẩm thực sự của ông là
tuyển tập truyện ngắn “Những Con Tàu Đi Ngược Chiều Nhau”.
Mùa hè năm 1932 Paustovsky bắt đầu cuốn “Kara-Bugaz” và một số
truyện ngắn khác mà về sau này ông đã kể lại khá tỉ mỉ trong “Bông Hồng
Vàng”.
Sau khi “Kara-Bugaz” ra đời, Paustovsky xin ra ngoài biên chế, tức là
thôi không làm cho nhà nước và ăn lương nhà nước nữa, để chuyên viết
văn, “cái công việc duy nhất, choán hết mọi việc khác, có lúc thực cay cực,
nhưng là cái bao giờ tôi cũng yêu mến”. Ở chế độ Xã hội Chủ nghĩa, việc
xin ra ngoài biên chế để sống tự do được coi như một việc làm không bình
thường, một hành động rồ dại, hoặc một hành động dũng cảm, tuỳ theo
cách nhìn của mỗi người.
Trong cuộc sống tự do khỏi công việc nhà nước Paustovsky còn đi
nhiều hơn nữa. Dấu chân ông in khắp mọi miền đất nước Xô-viết, từ bán
đảo Konsky đến những sa mạc vùng Trung Á, từ các thành phố băng tuyết ở
Cực Bắc đến những bờ biển ấm áp vùng Krưm tới những miền rừng rậm
rạp của Sibir. Ngoài ra, ông còn đến Tiệp Khắc, đi tàu biển vòng quanh
châu Âu, qua các thành phố Istanbul, Athena, Napoli, Roma, Paris,
Rotterdam, Stockholm…
Trong Đại chiến Thế giới lần thứ Hai, ông làm phóng viên chiến tranh
của Mặt trận phía Nam và ở đó ông cũng đi rất nhiều.
Đời ông, từ lúc còn nhỏ cho đến năm 1921, được ghi lại khá đầy đủ
trong các cuốn truyện mang tính hồi ký “Những Năm Xa Xôi”, “Tuổi Trẻ
Không Yên”, “Sự Bắt Đầu Của Thế Kỷ Ta Chưa Biết”.
Paustovsky nói rằng nhà văn cần phải biết tạo ra tiểu sử cho mình. Tức
là, ông muốn nói, nhà văn cần phải chủ động ném mình vào trong những