Trên tầu, ông tán chuyện với bác sĩ Rubincondo Loachamín và nói với
bác sĩ lý do về chuyến đi của mình. Bác sĩ lắng nghe với vẻ thích thú.
— Nhưng nếu lão muốn có sách, tại sao lão không nhờ tôi? Tôi chắc
chắn là có thể tìm được chúng ở Guayaquil.
— Cám ơn bác sĩ. Vấn đề là ở chỗ lão chưa biết loại sách nào mình
muốn đọc. Khi nào lão biết, lão sẽ nhớ tới lời hứa của bác sĩ.
El Dorado chắc chắn không phải là một thành phố lớn. Ngưòi ta tìm
thấy ở đó khoảng chừng trăm nóc nhà nối tiếp nhau trên bờ sông. Nó có tầm
quan trọng bởi ở đây có một trạm cảnh sát, vài trụ sở hành chính, một nhà
thờ, và một trường học phổ thông thưa thớt học sinh.
Nhưng với Antonio José Bolivar, người mà cả 40 năm nay không rời
khỏi rừng, nó có ý nghĩa là sự trở về với thế giới rộng lớn mà ông đã từng
biết trước đó.
Bác sĩ giới thiệu ông đến một người duy nhất có khả năng giúp đỡ ông.
Đó là một thầy giáo, và ông cũng xin phép cho ông già được ngủ lại trong
trường. Đó là một ngôi nhà lớn làm bằng tre, không có bếp. Đổi lại, ông già
sẽ giúp việc làm bếp và sẽ đan giúp một cái gùi đựng cỏ.
Khi ông già đã bán xong cặp khỉ và mấy con vẹt, người thầy giáo chỉ
cho ông thư viện của trường.
Ông cảm động khi được nhìn thấy một số lượng sách lớn như thế. Thầy
giáo có khoảng năm chục đầu sách được xếp ngay ngắn trên một cái giá.
Ông cảm thấy vui sướng không thể tả nổi, khi tự mình được ngắm nghía
từng quyển sách một với cái kính lúp ông vừa mua được.
Năm tháng liền ở đây đã giúp ông hình thành và hoàn thiện gu đọc sách
của mình. Thời gian mà những sự lưỡng lự và những câu trả lời nối tiếp lẫn
nhau.