cửu; nơi Đạo, không có tái diễn sự trở về, cũng như không có sự hoàn toàn
hủy diệt. Trở về với Đạo là trở về chung kết và mãi mãi tồn tại (D.C. Lau,
The treatment of opposites in Lao-tzu , in: Bulletin of the School of
Oriental and African Studies 21: 1958, 354).
Một đặc thù nữa: Đạo không những là nơi ẩn trú của vạn vật, là châu bảo
của những người lành, mà còn là nơi che chở và cứu giúp những người
không tốt. Lão Tử hỏi: “Kẻ không lành, tại sao lại loại bỏ chúng đi?”: ( Đạo
giả, vạn vật chi áo, Thiện nhơn chi bửu, Bất thiện nhơn chi sở bảo... Nhơn
chi bất thiện, hà khí chi hữu ) (c. 62). Ai tìm cầu thì sẽ được, ai có lỗi lầm
thì cũng được miễn tha; do đó mà Đạo là vật quý nhất trong thiên hạ: ( Bất
nhật dĩ cầu đắc, Hữu tội dĩ miễn da, Vi thiên hạ quý dã ) (c. 62). Đây là
đoạn độc nhất trong Đạo Đức Kinh nói về tội và tha tội, nhờ Đạo. Ai cắt
đứt khỏi Đạo thì “mất sớm”; tất cả đều tùy thuộc vào sự trở về hoặc không
trở về với Đạo.
d) Sự trở về của Đạo:
Lão Tử gọi Đạo là lớn, lớn là đi, đi là xa, xa là trở lại (c. 25); và: Trở về
là cái động của Đạo (c. 40). Trở về đâu? Chương 14 nói: Trở về Vô Vật:
phục quy ư Vô Vật . Câu này nói về cái bản thể của Đạo, bản thể vô danh,
không nắm bắt được, không thấu hiểu được, là bất khả tư nghị. Sự trở về
này cũng nói lên “biện chứng” của Đạo là từ Không đến Có, từ Có về
Không, là vừa Không vừa Có. Trở về còn là trở về với Vô vi vĩnh cửu (c.
37), Vô danh vĩnh cửu (c. 32), đơn phác không tên (c. 37), đó là những đặc
tính của Đạo.
Sự trở về dài lâu bao nhiêu? Khi nào thì thời gian hoàn tất và trạng thái
sơ thủy lại được dứt khoát và vĩnh viễn lặp lại? Lại phải thú thực rằng, câu
hỏi này − cũng giống như câu hỏi về nguyên thủy của vũ trụ − không “Tàu”
chút nào! Người Trung Hoa và Á châu sống trong thực tiễn và đón nhận thế
giới như một “thực tại có đó” (une donnée). Thế giới là đó, có đó; sự tuần