4. TRỞ VỀ: PHẢN − PHỤC QUY:
a) Vai trò và ý nghĩa của sự trở về:
Người Trung Hoa tỏ ra có nhiều thịnh tình với vấn đề phục quy hơn là
vấn đề sơ thủy. Điều chắc chắn là mối thịnh tình của họ lớn hơn nơi các nhà
Trung Hoa học Tây phương. Nhiều học giả cho rằng phản phục là tư tưởng
nòng cốt của Lão Tử và Trang Tử (Phùng Hữu Lan, Lâm Ngữ Đường, A.
Ohama). Những chương chính trong Đạo Đức Kinh nói về phản và phục
quy là: 14, 16, 25, 28, 40, 52.
Lão Tử dùng từ phản và phục quy ít nhất là trong 4 nghĩa sau đây: nghĩa
thông thường trở lại; nghĩa đảo ngược thành đối cực (c. 58); nghĩa trở về
của Đạo (c. 14, 25, 40) và nghĩa muôn vật trở về với Đạo. Trong nghĩa sau
cùng này, trở về với Đạo: như quê hương (c. 34), như mẹ (c. 52), như gốc
rễ (c. 16), như trạng thái sơ thủy mộc mạc và thơ trẻ (c. 28), như đại hòa
đại thuận (c. 65), như trạng thái giản dị trong trắng ban đầu (c. 19, 80), từ
lầm lạc trở về chân tính tự nhiên (c. 64), và không có gì bi đát thê thảm hơn
cho bằng kẻ đi − đi mà không có chỗ về (c. 20).
b) Đạo là Cùng đích của sự trở về:
Vì Đạo là quê hương, là mẹ: Là quê hương, từ đây muôn vật được sinh
ra mà Đạo chưa từng hất hủi khước từ, nơi đây muôn vật an tâm trở về mà
được Đạo che trùm nuôi nấng (c. 34). Là mẹ, tìm được mẹ thì biết mình là
con, trở về với mẹ thì suốt đời không còn nguy khốn (c. 52). Cảnh không
nhà, không quê hương, không mẹ, mà chỉ lang thang đây đó, đầy sợ hãi,
lặng bắt, mờ mịt, tối tăm, rũ rượi, vì không có chỗ theo về, thật không gì
thê thảm và bi đát hơn: ( Luy luy hề nhược vô sở quy ) (c. 20). Nhưng
“người tìm Đạo” biết mình phải trở về đâu: đó là tìm về mẹ đã từng nuôi
nấng ta: ( ngã độc dị ư nhân quý tự mẫu ) (c. 20); mẹ nuôi đây chính là Đạo
(Hàn Phi Tử).