lại nói rõ rằng: “Đạo dường như có trước Đế: Thượng đế chi tiên” (c. 4).
Nói cách khác, Đạo không còn gì hơn là chính mình. Còn về Thiên, thì
trong Đạo Đức Kinh không có nơi nào hàm chỉ Thiên đứng trên Đạo.
Đạo dường như có trước Thiên đế: Với nhận định ngắn gọn này, thì sau
đó tiếng Đế biến hẳn khỏi tập sách Đạo Đức Kinh . Như thế, ta có quyền
nghĩ rằng, câu văn ngắn ngủi, lời xác định giản lược và sự im lặng nói về
Đế sau đó là bằng chứng Lão Tử phủ nhận Đế chăng? Lão Tử là vô thần
chăng (nếu Đế được hiểu là Chúa tể), là vô tri giả (agnostique) chăng? Là
kẻ lấy Đạo làm thần tượng của mình? Hoặc trái lại, chính Đạo có thể là một
thần linh mà Lão Tử đã từ những quá khứ tối tăm xa xưa đưa ra lại ánh
sáng? Cả hai giả thuyết này đều có kẻ theo người chống; nhưng ta hãy trở
lại với văn bản.
b) Thượng đế và Thiên trong thời Trung Hoa cổ đại:
Muốn xác định được quan niệm về Đạo thì rất cần thiết phải hiểu về nội
dung tên của Chúa tể, thí dụ như Thượng đế và Thiên, để thấy rõ hơn tâm
trạng và thái độ của Lão Tử về vấn đề này. Ý nghĩa của câu “Đạo dường
như có trước Thiên Đế” giúp ta hiểu rõ hơn về điều này.
Quan niệm của các giáo sĩ dòng Tên tiên khởi:
Dòng Tên cho rằng danh từ Đế hoặc Thượng đế là tên gọi để chỉ vị Chúa
tể, quan niệm ấy đã được khoa khảo cổ (chữ khắc trên xương và đồng) xác
nhận. Ngay cho đến thế kỷ 19, các học giả còn nghĩ rằng Thiên chứ không
phải Thượng đế là tên gọi đầu tiên của Chúa tể; rồi chỉ về sau này tên Thiên
mới đổi ra tên Thượng đế để chỉ một Chúa tể có thân vị. Nhưng những
nghiên cứu lịch sử bình luận các kinh điển và những khám phá mới đây về
khảo cổ đã dứt khoát xác nhận rằng, tên Thiên là một tên gọi về Chúa tể đã
xảy ra sau này, và có lẽ từ một nguồn gốc ngoài Trung Hoa (Tien Tschen-