CHƯƠNG 6
ÐẠO VÀ ÐỨC TIN KITÔ GIÁO
Triết học không có những nhiệm vụ của các khoa biện giáo, minh giáo,
truyền giảng, chứng đạo pháp, Hội Thánh tăng trưởng... Sở dĩ có thêm
chương “Đạo và Đức tin Kitô giáo” này là để hai hệ thống tư tưởng và tin
tưởng có dịp tìm hiểu nhau thêm qua sự đối chiếu và so sánh. Trong vấn đề
giao lưu văn hóa cũng như tôn giáo tham chiếu, không nhất thiết hễ những
gì khác biệt của người đều có nghĩa là người ta sai lạc.
Những điều khác biệt của người có thể không những là một bổ túc, mà
còn có thể là một cảnh tỉnh, một thách thức cho sự nhận thức, hiểu biết và
cuộc sống của ta trở nên trung thực hơn với chính Lời mặc khải trong Kinh
Thánh . Trong bài này, chúng tôi chỉ xin đơn cử ra đôi ba vấn đề chính và
gần gũi với cuộc sống, dưới lăng kính so sánh và bổ túc giữa Đạo của Lão
Tử và Đức tin Kitô giáo.
1. HIỀN TRIẾT VÀ HUYỀN NHIỆM:
Lão Tử được coi là một hiền nhân và là một huyền nhân. Hiền nhân là
người khôn ngoan (sage), huyền nhân là người có một cuộc sống tâm linh
huyền nhiệm (mystique). Trở về cội nguồn là định luật thường hằng của
vạn vật. Ai biết được định luật này, là người có một loại tri thức bậc cao,
mà Lão Tử gọi là “minh” nghĩa là sáng, huệ, chánh giác, khôn ngoan.
Không những biết, mà còn thực hiện bằng chính mình trở về với Đạo,
nghĩa là đồng nhất với Đạo bằng việc thể hiện sự hợp nhất, đơn phác và
trống không của Đạo. Loại tri thức này không dựa trên lý luận mà là trên