Đạo của Lão Tử là một thực tại không thể hiểu thấu cũng như không thể
diễn tả được. Đạo của Lão Tử là Vô, là vô danh (c. 1), tinh tế không thấy,
không nghe, không nắm bắt được (c. 14), là Không đến Có, để nhờ Có mà
vạn vật được sinh thành, rồi từ Có lại trở về Không (c. 1, 14); Đạo trống
không, sâu thẳm, yên lặng, độc lập, khắp nơi, thường tồn, vĩnh cửu, không
hành động mà hành động (c. 4, 14, 32, 37), là gốc của trời đất, là mẹ của
thiên hạ (c. 1, 4, 14, 25); Đạo là sáng, rảnh rang, an nhàn, tự tại (c. 52, 55).
Thực tại tối hậu có thân vị chăng?
Đạo của Lão Tử có những đặc tính và hoạt động như một thân vị: Đạo
nuôi nấng, che chở, giữ gìn, nâng niu mọi loài như một bà mẹ (c. 34, 51,
62), âm thầm, khiêm tốn, ẩn giấu mình đi như một người hiền (c. 9, 22, 34,
51), lại còn dịu ngọt, chờ đợi, đón nhận, làm cho đơm hoa kết trái như một
người nữ (c. 6, 10, 28, 61), mà nhất là từ tâm không phân biệt người lành
kẻ dữ, cứu nguy, tha thứ, làm nơi nương dựa và an trụ cho những kẻ tha
hương, vất vưởng, mất mát cả đến ngôi nhà bản thể của mình (c. 20, 27, 33,
34, 49, 52, 62, 64). Chính vì những đặc tính và hoạt động này, mà B.I.
Schwartz đã nói, nếu quan niệm siêu việt nơi Khổng Tử đã vượt một bậc
rất xa, từ nguyên lý tự tại của thiên nhiên và xã hội đã trở thành một ý thức
và ý chí siêu việt, thì quan niệm siêu việt nơi Lão Tử lại vượt một bậc triệt
để hơn nữa [“much more radical transcendental trend”]; ở đây ta chứng
kiến một sự “xuyên thâu biên giới” đi đến huyền nhiệm [“a breakthrough to
mysticism”] ( Trancendence in Ancient China , in: Daedalus, Spring 1975,
pp. 64-65).
Nhưng vẫn một câu hỏi như với Khổng Tử lại được đặt ra: với Thực tại
tối hậu có ý thức, ý chí, tình cảm và tình thương này, con người có một
tương quan đối thoại nào chăng? Câu hỏi như thế chắc không “Tàu” chút
nào, mà chỉ là quá “Tây” thôi chăng?