CHƯƠNG 7
HUYỀN TRIẾT PHƯƠNG ÐÔNG VÀ
TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY
CÁC THÔNG DIỄN VỀ LÃO TỬ − ÐẠO ÐỨC KINH , CHƯƠNG
47 [6]
ĐÔI LỜI VÀO ĐỀ CỦA TÁC GIẢ BIÊN SOẠN:
Như đã được trình bày trong Đôi lời ban đầu của tập sách này, tập sách
Lão Tử − Đạo Đức Kinh nay được xuất bản lần thứ ba (2017) được đặt
trong bối cảnh của những thập kỷ bản lề giữa thế kỷ 20 và thế kỷ 21, trong
đó có nhiều biến động hạ xuống những bức tường ý thức hệ phân rẽ các
nước phương Đông và phương Tây, bán cầu phương Nam và bán cầu
phương Bắc, đưa đến tiến trình toàn cầu hóa xã hội với một nền triết học
mới, Triết học liên văn hóa.
Trong viễn tượng đó và trong tập sách này, chúng tôi muốn cống hiến
cho quý bạn đọc một chương bổ sung mang tính cách liên văn hóa , bàn về
cách nhìn, cách hiểu, cách diễn đạt hiện hữu, thực tại, tồn tại trong huyền
triết phương Đông và trong triết học phương Tây giống nhau, khác nhau
như thế nào. Đây là những bước đầu trong sinh hoạt liên văn hóa, bắt đầu
với sự nhận diện lại truyền thống văn hóa của chính mình, đưa đến sự trao
đổi giữa các nền văn hóa với những tương đồng cũng như những dị biệt,
hướng tới một sự tổng hợp nào đó như những điểm đến của tiến trình liên
văn hóa. Trong bước thứ hai với những tương đồng cũng như những khác
biệt, bước này có những khó khăn nhưng đồng thời cũng có những say sưa
cuốn hút của sự khác biệt, bởi căn tính cơ bản của con người bao hàm vừa
thân gần vừa xa cách, vừa quê hương vừa xứ lạ. Sự khác biệt của đối tác