Những người vợ của họ, những đứa con gái của họ, những con chó của họ
phủ kín anh bằng những cái hôn. Anh để lão Wykys ngồi lại bên bếp sưởi - thật
là lạ cái tính phổ quát của ngôn ngữ giữa những người già, trao đổi với nhau về
những mẹo thuốc thang chữa đau nhức, ái ngại cho những bất hạnh nho nhỏ và
trò chuyện về các thói tật và đòi hỏi của mấy bà vợ. Người em út trong số họ
sẽ phiên dịch, như mọi lần: nghiêm trang, ngay cả khi từ ngữ đi sâu vào chi
tiết.
Anh cùng ba cậu con trai của ba ông già ra ngoài tìm chỗ uống. “Wat will
je?” Ba tay trẻ châm chọc anh. “Cơ nghiệp của ông lão? Hay là vợ ông ấy sau
khi ông ấy về trời?”
“Không,” anh nói, và ngạc nhiên về chính mình. “Tôi nghĩ tôi muốn cô con
gái ông ấy.”
“Trẻ không?”
“Một góa phụ. Khá trẻ.”
Khi về lại London anh đã biết mình có thể xoay chuyển việc làm ăn. Nhưng
anh vẫn cần nghĩ đến công việc từng ngày. “Tôi xem kho hàng của ông rồi,”
anh nói với lão Wykys. “Tôi cũng đã xem sổ sách kế toán của ông. Bây giờ hãy
cho tôi gặp nhân viên của ông.”
Đó là vấn đề then chốt, tất nhiên rồi, là cái chìa khóa sẽ mở cánh cửa lợi
nhuận. Con người luôn là yếu tố quyết định, và nếu ta có thể nhìn thẳng vào
mặt họ, ta có thể khá chắc liệu họ có thật thà và đủ sức cho công việc hay
không. Anh hất cẳng tay chánh thư ký - nói rằng, “anh đi, hoặc chúng ta cùng
lên tòa” - rồi thay vào chỗ tay này một tay cấp dưới có tật nói lắp, một thằng bé
ai cũng bảo là đần. Thằng bé đó đúng là nhút nhát; hằng đêm anh kiểm lại hết
mọi việc trong ngày của nó, nhẹ nhàng và không nhiều lời chỉ ra từng lỗi sai,
từng khiếm khuyết, vậy là trong vòng bốn tuần thằng bé vừa thành thạo vừa
nhiệt tình, và đã bắt đầu theo anh như một chú cún. Bốn tuần đầu tư, và vài
ngày ra cầu tàu, kiểm tra xem ai ăn hối lộ: đến cuối năm đó, lợi nhuận được
đưa trở lại cho Wykys.
Wykys lật đật quay đi sau khi anh đưa lão xem kết toán. “Lizzie?” lão gọi
lớn. “Lizzie? Xuống đây xem nào.”
Cô xuống.
“Con muốn đi bước nữa. Anh ta được không?”