Hắn ta quay ngoắt đi, rồi lượn lờ vòng quanh, như để nắm bắt nét chân dung
trong lúc di chuyển. “Thế nhưng. Nhìn nó, người ta sẽ thấy khó lòng chọc giận
ông. Trong chừng mực đó thì tôi nghĩ Hans đã đạt được mục đích.”
Khi Gregory từ Canterbury về nhà, anh đưa một mình cậu vào xem bức
tranh, ngay lúc cậu vẫn đang mặc áo khoác kỵ mã, lấm vết bùn dọc đường; anh
muốn nghe ý kiến của con trai, trước khi những người khác trong nhà gặp và
nói với cậu. Anh bảo, “Mẹ con ngày trước luôn luôn nói bà ấy không chọn ta
vì vẻ bề ngoài. Ta ngạc nhiên, lúc bức tranh đưa đến, ta thấy mình tự đắc. Ta
vẫn nghĩ mình như lúc rời Ý, hai mươi năm về trước. Khi con còn chưa ra
đời.”
Gregory đứng sát bên vai anh. Đôi mắt cậu dừng trên bức chân dung. Cậu
không nói gì.
Anh biết rằng con trai cao hơn mình: không nhiều lắm. Anh bước sang bên,
bằng tâm trí thôi, để nhìn thằng bé bằng con mắt họa sĩ; một chàng trai da
trắng mịn và đôi mắt màu hạt dẻ, một thiên thần mảnh khảnh ở tầng trời thứ
hai trong một bức sơn vẽ trên tường lốm đốm vết ẩm, trong một thành thị trên
đồi cách xa đây. Anh nghĩ về cậu như một tiểu đồng trong rừng cưỡi ngựa đi
ngang trên giấy da thuộc, những món tóc đen quăn dưới một dải băng vàng
mảnh buộc tóc; trong khi những gã trai tập hợp quanh anh hằng ngày, đám
thanh niên của Tu viện Austin Friars, có cơ bắp nổi cuộn như những con chó
đấu, tóc cắt lởm chởm, mắt sắc như mũi kiếm. Anh nghĩ, Gregory là tất cả
những gì anh muốn cho mình. Nó là mọi thứ mà anh có quyền mong đợi: sự
cởi mở của nó, sự lịch thiệp của nó, tính kín đáo và có cân nhắc để giữ lại
những suy nghĩ cho đến lúc chín muồi. Anh cảm thấy trìu mến với thằng bé
đến mức tưởng có thể khóc được.
Anh quay sang bức tranh. “Ta sợ có lẽ Mark đúng.”
“Mark nào ạ?”
“Thằng bé đần độn chạy theo George Boleyn. Có một lần ta nghe nó bảo ta
trông như một kẻ sát nhân.”
Gregory nói, “Cha không biết sao?”