I
UY QUYỀN TỐI CAO
1534
Trong những ngày hội hè vui vầy từ Giáng sinh đến năm mới, khi triều đình
đang yến tiệc tưng bừng còn Charles Brandon thì ở miền đầm lầy quát tháo ra
cửa, anh ngồi đọc lại Marsiglio người Padua. Vào năm 1324 Marsiglio đặt ra
cho chúng ta bốn mươi hai đề nghị. Khi yến tiệc ngày lễ Hiển linh đã qua, anh
thong thả mang vài đề nghị trong số đó đến cho Henry.
Nhà vua đã biết một số đề nghị này, một số vẫn còn xa lạ với ngài. Một số tỏ
ra thích hợp, trong tình thế hiện tại của ngài; một số thì bị lên án là dị giáo.
Buổi sáng hôm đó trời trong veo, lạnh buốt xương, gió từ sông như dao cứa lên
mặt. Người ta đi như lướt để liều thử vận may của mình.
Marsiglio bảo chúng ta rằng khi đấng Kitô đến thế giới này ngài đã không
đến để trị vì hay phán xét, mà đến như một thần dân: phục tùng cái quyền bính
nơi đất nước ngài ở. Ngài không tìm cách cai trị, cũng không truyền lại cho các
tông đồ của ngài một sứ mệnh cai trị.
Ngài không trao cho môn đệ nào nhiều quyền hơn những người khác; nếu
cho rằng ngài cho phép điều đó, hãy đọc lại các câu về thánh Peter. Đấng Kitô
không đặt ra ngôi giáo hoàng. Ngài không trao cho môn đệ quyền hành để làm
ra luật pháp và đánh thuế mà nhân sự giáo hội vẫn tuyên bố có quyền đối với
cả hai việc đó.
Henry nói, “Ta nhớ chưa bao giờ hồng y nói đến điều này.”
“Ngài có nói không, nếu ngài là một hồng y?”
Bởi đấng Kitô không xui khiến các môn đệ đi vào con đường quyền hành
thế tục thì làm thế nào chủ trương rằng các bậc quân vương ngày nay có được
nguồn quyền lực từ ngôi giáo hoàng? Thực ra, tất cả các giáo sĩ đều là thần
dân, như khi đấng Kitô lìa xa họ. Cai quản phần xác của thần dân là việc của
các bậc quân vương, cho phép kết hôn hay công nhận hôn nhân, coi ai là con
hoang và ai là con hợp pháp.