Khi sự chú tâm đã an trú được vào ba điểm này, lúc đó chúng ta không cần
chú tâm vào chúng nữa, mà chỉ cần nhận biết sự vào và sự ra của hơi thở, tập
trung sự chú tâm vào duy nhất nơi chóp mũi (hoặc điểm giữa môi trên), nơi mà
luồng hơi thở đi vào và đi ra. Chúng ta không cần theo hơi thở xuống ngực và
bụng như lúc đầu, lúc này chỉ cần thiết lập sự chú tâm chánh niệm vào duy nhất
chóp mũi trước mặt ta, và nhận biết hơi thở tại một điểm duy nhất này. Đi vào, đi
ra, đi vào, đi ra.
Không cần phải nghĩ đến điều gì đặc biệt. Lúc này chỉ tập trung vào công
việc đơn giản này, duy trì sự có mặt liên tục của tâm. Không cần phải làm gì thêm
nữa, chỉ đơn giản thở vào, thở ra.
Khi tâm trở nên tĩnh lặng, hơi thở được tinh lọc. Tâm và thân trở nên nhẹ
nhàng. Đây là trạng thái đúng của tiến trình thiền tập.
Khi ngồi thiền tâm trở nên được thanh lọc, nhưng dù tâm có ở trong trạng
thái nào thì chúng ta vẫn cứ chú tâm và tỉnh giác vào nó, vẫn liên tục nhìn nó,
biết nó. Hành vi của tâm đang ở đó, cùng với sự tĩnh lặng. Có vitakka, được gọi
là tầm (HV). Vitakka là hành động đưa tâm (hướng tâm) vào đề mục để quán xét
(đề mục thiền, đối tượng thiền). Nếu không có đủ sự chú tâm chánh niệm thì
không có nhiều vitakka. Rồi có vicāra, được gọi là tứ (HV). Vicara là quán xét
xung quanh đề mục đó. Nhiều loại nhận thức (tâm tưởng) yếu mờ khác nhau có
thể vẫn còn tiếp tục khởi sinh lúc này lúc khác, nhưng sự tự-tỉnh-giác
(sampajanna) là cái quan trọng—nhờ nó, mỗi thứ gì đang diễn ra chúng ta đều
biết rõ về thứ đó một cách liên tục.
Khi chúng ta tu tập sâu hơn, chúng ta sẽ
thường trực tỉnh giác về trạng thái thiền của chúng ta, biết rõ tâm có được thiết
lập một cách vững chắc hay không. Do vậy, sự tập trung (định) và sự tỉnh giác
(chánh niệm) đều có mặt.
Có một cái tâm bình an không có nghĩa là không có gì đang diễn ra, những
tâm tưởng (nhận thức) vẫn khởi sinh trong đó. Ví dụ, khi chúng ta nói về mức độ
bình an thứ nhất của tâm (tầng thiền định thứ nhất), chúng ta nói nó có năm yếu
tố. Cùng với vitakka (tầm) và vicāra (tứ), có yếu tố pīti (hỷ) khởi sinh trên nền
tảng quán niệm và rồi có yếu tố sukha (lạc). Tất cả bốn yếu tố này nằm trong một
cái tâm đã được thiết lập trong sự tĩnh lặng. Chúng chỉ như là “một” trạng thái.