phải như vậy. Nhưng khi chúng ta đã thiết lập được những phẩm tính đó trong tu
tập, chúng ta đã dẹp được tính lười biếng, thì chúng ta không cần dùng tính nỗ
lực nữa. Nếu chúng ta đã hiểu biết sự thật của tất cả trạng thái tâm, chúng ta
không còn dính khổ dính sướng theo những trạng thái đó, thì chúng ta cũng
không cần tu tập tĩnh kiên nhẫn, chịu khó, bởi tâm lúc đó đã là Giáo Pháp. Cái
“người biết” đã nhìn thấy Giáo Pháp, người ấy là Giáo Pháp.
Khi tâm là Giáo Pháp, thì nó dừng lại. Nó đạt đến sự bình an. Không còn bất
cứ nhu cầu ham muốn nào để làm điều gì đặc biệt nữa, bởi tâm đã là Giáo Pháp
rồi. Bên ngoài là Giáo Pháp, bên trong là Giáo Pháp. Cái “người biết” là Giáo
Pháp. Trạng thái là Giáo Pháp và cái người hiểu biết trạng thái là Giáo Pháp.
Không cần làm điều gì đặc biệt nữa. Đó là một. Đó là tự do.
Tự nhiên này không được sinh ra, nên nó không già hay bệnh hay chết đi.
Tự nhiên là không vui không buồn, không lớn không nhỏ, không nặng không
nhẹ, không đen không trắng. Không có gì có thể so sánh với nó. Không sự quy
ước nào có thể so tới nó. Đó là lý tại sao chúng ta nói Niết-bàn là không màu. Tất
cả mọi màu sắc chỉ là quy ước. Trạng thái vượt trên thế gian thì vượt trên tất cả
những quy ước của thế gian.
Do vậy, Giáo Pháp là cái vượt trên thế gian. Đó là cái mỗi người phải tự
thân nhìn thấy. Nó vượt trên mọi ngôn ngữ. Ta không thể diễn tả bằng ngôn từ,
mà chúng ta chỉ có thể nói về những cách thức và phương tiện để chứng ngộ nó.
Người nào đã tự thân chứng ngộ nó thì người ấy đã làm xong những việc cần
làm.