thiền định (samatha) và thiền tuệ minh sát (vipassanā) cũng chỉ là do quy ước mà
có, cũng chỉ là những danh từ do người ta đặt ra. Một cái tâm hiểu biết, nó vượt
trên những thứ quy ước, đối đãi và giả lập của thế gian; đó là mục tiêu cao nhất
của việc tu hành.
Sự tu tập của chúng ta, sự điều tra quán xét của chúng ta là để vượt qua sự
khổ. Khi sự dính chấp đã chấm dứt, thì trạng thái cái ‘ta là’ cũng chấm dứt. Khi
trạng thái cái ‘ta là’ đã chấm dứt, thì không còn cái ‘ai’ để tiếp tục sinh tử. Khi
mọi sự tốt đẹp tâm cũng không vui mừng, khi mọi sự xấu tệ tâm cũng không sầu
não. Cái tâm không còn bị kéo trôi theo những rắc rối phiền não của thế gian, và
lúc này sự tu tập đã xong. Đây là nguyên lý căn bản mà Phật đã chỉ dạy.
Đức Phật chỉ dạy Giáo Pháp để áp dụng vô đời sống của chúng ta. Ngay đến
lúc chết ta vẫn còn nghe được lời Phật dạy: ‘Tesam vūpasamo sukho...’ (Làm lắng
lặn các hành tạo tác là hạnh phúc đích thực). Nhưng, chúng ta không biết chế ngự
các hành (điều kiện) tạo tác đó, chúng ta chỉ mang vác chúng theo suốt đời; hỏng
lẽ các sư thầy xúi chúng ta làm vậy sao? Chúng ta cứ mang vác chúng đi khắp
nơi và khóc than vì chúng. Đó là bị lạc lối vào trong mớ các điều kiện tạo tác, đó
là bị lạc tâm theo mọi thứ trần cảnh, là quên mình theo vật. Thiên đường, địa
ngục hay Niết-bàn đều từ ngay chỗ này mà ra.
Tu hành theo Giáo Pháp là để chuyển hóa và vượt qua sự khổ trong tâm.
Nếu chúng ta hiểu biết sự thật của mọi thứ theo cách tôi vừa nói trên thì tự động
chúng ta biết được Bốn Sự Thật. Khổ, nguyên nhân khổ, sự chấm dứt khổ và con
đường dẫn đến sự chấm dứt khổ.
Người đời thường ngu mờ khi gặp phải những thứ do quy ước mà có, họ cứ
nghĩ rằng tất cả những thứ đó tự chúng là thực, thực từ trong bản chất tự nhiên.
Khi kinh sách nói rằng cây cỏ, núi non và sông ngòi là những trạng thái không
tâm thức, thì đó là cách nói gom lại để làm đơn giản phân loại. Nhưng những
điều đó chỉ là giáo lý bề ngoài, nó không đề cập đến khổ, làm như không có khổ
trên đời này vậy. Đó chỉ là cái vỏ ngoài của Giáo Pháp. Nếu chúng ta phải giải
thích theo nghĩa sự thật rốt ráo, chúng ta sẽ thấy rằng chính con người ta đã đi bó
buộc các thứ lại bằng sự ràng buộc dính chấp của họ. Làm sao chúng ta có thể nói
những thứ đó không có năng lực tạo ra các sự kiện, làm sao có thể nói những thứ
đó là không tâm thức, trong khi người ta có thể đánh một đứa bé chỉ vì làm mất
một cây kim nhỏ xíu? Một cái dĩa, một cái ly hay một miếng gỗ... tâm chú tâm