người cũng như loài vật. Nếu chúng ta thực sự nhìn thấy bản chất sinh diệt mọi
loài đúng như chúng là, thì tâm chúng ta sẽ dẹp bỏ sự ràng buộc vào chúng.
(Tâm lý học Phật giáo là ngay chỗ này. Ta tu tập thiền quán để nhìn thấy cái
bản chất sinh diệt vô thường của sự sống của chúng ta. Giống như chúng ta quán
xét nhìn thấy bản chất tầm thường ở ngoài đời của một nghệ sĩ thần tượng của ta,
lúc đó ta đâu còn mến phục người đó nữa).
Do vậy nên nói rằng chúng ta phải có sự chánh niệm. Nếu có chánh niệm,
chúng ta sẽ nhìn thấy trạng thái của tâm mình. Dù ta đang nghĩ gì hay cảm giác
gì, ta phải biết về nó. Sự biết này được gọi là Phật tâm, là Phật, là cái ‘người
biết’... biết một cách thấu suốt, biết một cách rõ ràng và hoàn toàn. Khi tâm biết
một cách hoàn toàn thì chúng ta tìm ra cách tu tập đúng đắn.
Do vậy, cách thẳng thắn nhất để tu tập là phải có sự chánh niệm, sati!.
(Điều kiện cần là phải có sự chánh niệm). Nếu bạn không có chánh niệm năm
phút thì (tâm) bạn điên đảo năm phút đó, vì bạn đã thất niệm trong năm phút. Hễ
khi nào thiếu chánh niệm thì (tâm) bạn điên đảo. Do vậy, chánh niệm là không
thể thiếu! Có chánh niệm là biết về mình, biết về trạng thái của tâm và sự sống
của mình. Đây là điều kiện để có được sự hiểu biết và khả năng nhận định, để
lắng nghe Giáo Pháp mọi lúc mọi nơi. Sau khi rời khỏi bài giảng của người thầy,
bạn vẫn còn nghe thấy Giáo Pháp, bởi Giáo Pháp có mặt khắp nơi.
Do vậy, tất cả các thầy phải chắc chắn tu tập mỗi ngày. Dù cảm thấy lười
biếng hay siêng năng, vẫn tu tập đều đặn như vậy. Tu tập theo Giáo Pháp không
phải là chạy theo những trạng thái tâm của mình. Nếu tu mà chạy theo các trạng
thái tâm thì đó là không đúng Giáo Pháp. Đừng phân biệt ngày và đêm, dù tâm
có bình an hay không, dù cảm thấy ra sao... vẫn cứ tu tập.
Giống như đứa bé đang tập viết. Đầu tiên nó không viết được đẹp- nó uốn
đường cong, nắn vòng tròn, nghệch ngoặc, siêu vẹo, to tướng- nó viết như...con
nít. Nhưng sau ít lâu, chữ viết của nó khá hơn nhờ luyện tập. Tu tập cũng vậy.
Lúc đầu ai cũng thấy khó khăn, lúng túng; có lúc có tĩnh lặng, nhiều lúc không;
thực sự chẳng biết gì là gì cả. Nhiều người nản chí ngay từ đầu. Đừng nản chí!
Các thầy phải cố gắng tu. Sống bằng nỗ lực, giống như đứa học trò trẻ kia: từ từ
rồi nó cũng lớn lên và nó viết chữ đẹp hơn và đẹp hơn thôi. Ai cũng vậy. Từ chỗ
tập viết, viết xấu, rồi đến lúc viết được, rồi viết đẹp... tất cả đều nhờ sự tập luyện
mà thôi.