72
Duy Trì Chuẩn Mực
Hôm nay chúng ta tề tựu ở đây như mọi năm sau khóa thi sát hạch Giáo
Pháp hàng năm.
Lần này, tất cả chúng ta nên quán xét về tầm quan trọng của
việc thực hiện những trách phận trong chùa, làm những bổn phận đối với những
thầy thọ giới cho mình và những thầy dạy tu cho mình. Những việc làm đó giúp
nối kết chúng ta lại với nhau thành một tập thể tu hành, giúp chúng ta sống hòa
hợp và hòa đồng với nhau. Những việc làm đó cũng dẫn chúng ta đến tôn trọng
lẫn nhau, điều đó dẫn đến lợi lạc cho cả tăng đoàn ở đây.
Trong tất cả tăng đoàn, từ thời Phật đến giờ, dù họ có gọi bằng hình thức
nào, nhưng nếu những cư dân trong đó không tôn trọng nhau, thì tăng đoàn đó
không thể thành công. Dù là cộng đồng những người thế tục hay cộng đồng
những người xuất gia, nếu thiếu tôn trọng nhau thì cộng đồng đó cũng không bền
chắc. Nếu không tôn trọng nhau, thay vào đó bằng sự mặc kệ, thì cuối cùng việc
tu tập cũng suy thoái.
Cộng đồng chùa này là những người tu hành Giáo Pháp đã sống ở đây
chừng 25 năm rồi, nó từ từ đông hơn, nhưng nó có thể bị suy thoái. Chúng ta phải
hiểu rõ chỗ này. Nhưng nếu chúng ta đều biết làm cho tâm có ý thức, biết kính
trọng nhau, và biết liên tục duy trì những chuẩn mực thực hành, thì tôi thấy sự
hòa hợp sẽ vững chắc. Sự tu tập theo một cộng đồng (tăng đoàn) sẽ là nguồn lực
lớn mạnh của Phật giáo về lâu về dài.
Giờ nói về học và hành, hai việc đó là một cặp. Phật giáo ra đời và phát triển
đến ngày hôm nay là nhờ có học và hành đi song song với nhau. Nếu chúng ta chỉ
biết học suông kinh kệ thì sự phóng túng lãng tâm luôn có mặt... Ví dụ, năm đầu
tiên ở chùa này có bảy vị Tỳ kheo trong kỳ an cư Mùa Mưa. Lúc đó tôi tự nghĩ
rằng: ''Hễ khi các tăng sĩ bắt đầu học thi Sát Hạch Giáo Pháp thì sự thực hành
dường như bị suy thoái''. Sau khi coi xét kỹ càng chuyện này, tôi cố tìm ra
nguyên nhân, từ đó tôi bắt đầu dạy các tăng đang ở chùa trong kỳ an cư Mùa Mưa
đó—chỉ có bảy người. Tôi dạy cho họ liên tục khoảng 40 ngày, từ sau khi ăn trưa