xô đến đường bờ và tan biến, nó đâu vượt qua khỏi bờ biển. Tương tự như vậy,
chẳng có gì còn có thể vượt qua những giới hạn đã được thiết lập bởi sự tỉnh giác
của người tu lúc này.
Đó là chỗ nơi người tu sẽ gặp và đi đến hiểu biết cái lẽ vô thường, khổ, và
vô ngã. Đó là chỗ mọi thứ biến mất – ba đặc tính vô thường, khổ, và vô ngã
giống như bờ biển, và tất cả mọi đối tượng giác quan và trạng thái tâm thì giống
như những con sóng vậy. Sướng là không chắc chắn, nó đã khởi sinh quá nhiều
trước giờ. Khổ là không chắc chắn, nó đã khởi sinh quá nhiều trước giờ; chúng
chỉ là vậy. Trong tâm người tu người tu biết rõ chúng chỉ là như vậy, cùng lắm
chúng chỉ là ''vậy thôi''. Tâm hiểu và nó sẽ trải nghiệm những tình trạng đó theo
cách như vậy, và nhờ đó mọi thứ dần dần mất đi giá trị của chúng; tâm không còn
coi trọng chúng là ‘gì’ nữa, tâm biết rõ chúng chỉ là thứ sinh-diệt, là thứ có rồi
mất mà thôi. Đây là đang nói về những tính chất của cái tâm trong giai đoạn này,
cách của cái tâm trong giai đoạn này; những đặc tính này của tâm trong giai đoạn
này của mọi người tu là tương tự như nhau, ngay cả Phật và các vị thánh đệ tử
cũng vậy.
Nếu sự tu tập con đường Đạo đã chính chắn, thì nó sẽ tự động diễn tiến như
vậy, và nó không còn tùy thuộc tùy duyên theo bất cứ thứ gì từ bên ngoài. Khi có
ô nhiễm nào khởi sinh, người tu lập tức tỉnh giác về nó và do vậy có thể xử lý nó
ngay. Tuy nhiên, như chỗ câu hỏi ở đây, giai đoạn khi sự tu tập của người tu chưa
đủ chín chắn hoặc chưa đủ nhanh nhạy để vượt qua những ô nhiễm là giai đoạn
người tu nào cũng phải trải qua – đó là đoạn đường không thể tránh được. Nhưng
ngay chỗ đó người tu cần phải dùng sự suy xét quán chiếu một cách khôn khéo.
Đừng có đi suy xét điều tra ở chỗ nào khác hoặc cố giải quyết vấn đề ở chỗ khác.
Điều trị ngay chỗ đó. Áp dụng trị liệu vào ngay chỗ mọi sự khởi sinh và biến qua.
Sướng khởi sinh và biến qua, đúng không? Khổ khởi sinh và biến qua, đúng
không? Người tu sẽ tiếp tục có khả năng nhìn thấy cái tiến trình sinh-diệt, và nhìn
thấy thứ tốt và thứ xấu trong tâm này. Đây là những hiện tượng xảy ra và chúng
là một phần của tự nhiên. Đừng dính theo chúng, đừng tạo tác điều gì vì chúng.
Nếu người tu có được loại tỉnh-giác như vậy thì dù có đụng chạm thứ này thứ nọ
cũng chẳng gây ra tiếng ồn nào trong tâm. Nói cách khác, người tu sẽ thấy rõ sự
sinh-diệt của mọi hiện tượng theo đường lối tự nhiên và bình thường của chúng.