Trước kia tôi gặp một Tỳ kheo, thầy ấy nói thầy ấy là một thiền giả đích
thực. Thầy ấy xin phép ở lại đây với tôi và hỏi về thời biểu tu tập và các quy tắc
trong chùa. Tôi nói với thầy ấy rằng trong chùa này chúng tôi sống theo Giới
Luật Tăng đoàn, đó là những điều giới của Phật, và nếu thầy ấy muốn ở đây tu
thầy ấy phải từ bỏ những thứ như tiền bạc, của cải riêng. Thầy ấy nói rằng việc tu
hành của mình là ''không ràng buộc với tất cả những quy ước truyền thống''. Tôi
nói với thầy ấy tôi không hiểu thầy ấy đang nói gì. Thầy ấy nói rằng: ''Hay cứ để
con ở lại đây, con vẫn giữ tiền bạc nhưng con không dính vào nó. Tiền bạc chỉ là
quy ước thôi mà''. Thầy ấy thiệt đang nói lẩm cẩm. Thực ra thầy ấy lười biếng
không muốn tuân theo Giới Luật. Thiệt là khó, nhưng tôi phải nói với thầy ấy:
''Nếu thầy ăn muối và có thể chân thật nói rằng nó không mặn, thì tôi sẽ nghiêm
túc nhận thầy ở lại. Nếu thầy nói muối không mặn, tôi sẽ dưa một bao muối cho
thầy ăn thoải mái. Cứ thử đi. Nó có mặn không? ‘Không ràng buộc với quy ước’
đâu phải chỉ bằng cách nói khôn lanh đễ dàng như vậy. Nếu thầy cứ nói kiểu này,
tôi không thể ở cùng thầy''. Vậy là thầy ấy bỏ đi.
Chúng ta phải cố gắng duy trì việc tu tập giới đức hạnh. Người xuất gia phải
tu tập bằng giới luật thiền môn và thử nghiệm giới tu khổ hạnh [hạnh đầu-đà,
dhutanga]
. Còn những Phật tử tại gia thì tuân giữ năm giới hạnh căn bản. Cố
gắng tu sửa để đạt đến sự hoàn thiện trong hành động và lời nói. Chúng ta nên tu
dưỡng điều tốt thiện hết khả năng của mình, và tu sống thiện lành theo đó.
Khi bắt đầu tu tập sự tĩnh lặng (thiền định), đừng cố một hai lần rồi bỏ
ngang vì thấy tâm không được tĩnh lặng. Làm vậy là sai. Làm vậy là không đúng.
Ta cần phải tu tập trong một thời gian lâu. Tại sao phải tốn nhiều thời gian như
vậy? Hãy nghĩ về điều đó. Đã bao nhiêu năm chúng ta đã để tâm lang thang bất
định? Đã bao nhiêu năm ta có tu tập định tâm lần nào đâu? Đã bao nhiêu năm, hễ
khi nào tâm lôi chúng ta đi đâu thì ta chỉ biết chạy theo nó khắp nơi. Giờ để làm
yên lặng cái tâm lăng xăng đó, đưa nó đến ngừng nghỉ, làm cho nó tĩnh tại, thì
một vài tháng thiền tập đâu là cái đinh gì. Hãy nghĩ về điều này.
Khi chúng ta quyết tu tập cái tâm để nó bình yên trong mọi tình cảnh thì hãy
hiểu rằng, do lúc đầu những cảm xúc ô nhiễm xuất hiện, nên tâm không được
bình an. Nó sẽ bị xao lãng và khó kiểm soát. Tại sao? Bởi vì vẫn còn dục vọng.
Chúng ta không muốn tâm chúng ta nghĩ suy. Chúng ta không muốn có những
trạng thái hay cảm xúc làm xao lãng. Muốn cũng là một dạng của dục vọng.