Không muốn cũng là một dạng của dục vọng. Muốn, muốn không, hay không
muốn đều là tham dục. Không muốn là dục vọng, đó là dục vọng để không có.
Khi ta càng muốn không trải nghiệm hay không có điều gì, thì ta càng mời gọi và
đẩy chúng vào. ''Tôi không muốn những điều này, sao chúng cứ đến hoài vậy?
Tôi muốn nó không như vầy, sao nó cứ như vậy?''. Đó, ngay chỗ đó ta dính. Ta
muốn mọi thứ phải có mặt theo một cách nào đó, đó là do ta chưa hiểu cái tâm
của mình. Điều này có thể mất rất nhiều thời gian trước khi chúng ta nhận ra
rằng, muốn vầy muốn vậy là sai lầm. Cuối cùng, khi chúng ta nhìn thấy rõ ràng,
chúng ta có thể nói rằng: ''Ôi, những thứ đó xảy đến là do ta mời gọi chúng chứ
ai''.
Tham muốn trải nghiệm điều gì, tham muốn được bình an, tham muốn
không bị xao lãng và động vọng—tất cả đều là dục vọng. Hoàn toàn là dục vọng.
Nhưng không sao. Cứ tu tập. Khi nào trải nghiệm một trạng thái hay một cảm
xúc, hãy xem xét nó dựa theo ba tính chất “vô thường, khổ và vô ngã”, và thảy
chúng vào trong ba đặc tính đó. Rồi suy xét và điều tra: những cảm xúc ô nhiễm
này thường đi kèm với sự nghĩ suy phóng túng này nọ. Khi có một trạng thái thì
sự nghĩ lăng xăng đi sau nó. Sự nghĩ suy và trí tuệ là hai thứ khác nhau. Sự nghĩ
suy chỉ là phản ứng và chạy theo những trạng thái của ta, và kéo theo nó cho đến
bất tận. Nhưng trí tuệ thì khác, khi có trí tuệ hoạt động, nó sẽ mang tâm đến chỗ
tĩnh tại. Tâm sẽ dừng lại và không còn chạy nhảy đi đâu nữa. Chỉ còn lại sự biết
và ghi nhận cái đang được trải nghiệm: Biết cái gì? Biết rõ khi trạng thái này có
mặt, tâm là như vầy; khi trạng thái kia có mặt, tâm là như vậy. Chúng ta duy trì
cái ''sự biết''. Cuối cùng, điều gì đến sẽ đến đối với người tu. Đến lúc rồi ta cũng
biết được: ''A, tất cả mọi sự nghĩ đó, mọi sự lăng xăng búa xua đó trong tâm, mọi
sự lo nghĩ và phỏng đoán đó—tất cả chỉ là những thứ vô danh vô nghĩa. Tất cả
chúng đều là vô thường, khổ, và không phải là ta hay của ta nào cả''. Thảy tất cả
chúng vào một trong ba cái đặc tính bao-trùm đó, và dập tắt không cho khởi lên
lại. Ta cắt đứt chúng tận gốc rễ. Sau đó khi ta ngồi thiền lại, nó vẫn khởi lên lại.
Hãy cứ tiếp tục quan sát chúng. Theo dõi chúng sát sao.
Cũng giống như chăn trâu. Có người nông dân, có ruộng lúa, và có con trâu.
Trâu thì thích ăn lúa, đúng không? Tâm chúng ta giống như con trâu. Những
trạng thái ô nhiễm thì giống ruộng lúa hấp dẫn. Sự-biết là người nông dân. Việc
tu theo Giáo Pháp cũng giống như vậy. Tự mình so sánh rồi sẽ thấy và nhớ